Hỗ trợ cho vay trả lương người lao động

Sau gần sáu tháng triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh theo Nghị quyết 42/NQ-CP cho thấy, đây là chủ trương, chính sách rất nhân văn và có ý nghĩa sâu sắc của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, vượt qua đại dịch, ổn định sản xuất, đời sống. 

Trong đó, có gói hỗ trợ 16 nghìn tỷ đồng (trong số 62 nghìn tỷ đồng) cho vay ưu đãi 0% hỗ trợ doanh nghiệp trả lương ngừng việc cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế chưa có một khoản vay nào được giải ngân do gặp những vướng mắc về thủ tục khi tiếp cận vốn. 

Tháo gỡ vướng mắc này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cũng sớm ban hành hướng dẫn nghiệp vụ cho vay; đồng thời tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn tới các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc. Qua đó, các điều kiện vay được nới lỏng hơn so với quy định cũ để doanh nghiệp, người sử dụng lao động có thể dễ dàng tiếp cận. Đối tượng thụ hưởng được mở rộng hơn. Việc thực hiện phê duyệt cho vay và giải ngân cũng được giải quyết nhanh nhất. Những điểm mới của chính sách thể hiện ở chỗ, không chỉ đối tượng doanh nghiệp mà người sử dụng lao động đều được xét duyệt cho vay khi đáp ứng đủ các điều kiện như: có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến hết ngày 31-12-2020; có doanh thu quý 1-2020 giảm 20% trở lên so với quý 4-2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31-12-2019. Trong những điều kiện này, đáng chú ý nếu như trước đây một trong những yêu cầu để được vay vốn là doanh nghiệp “không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương” thì nay được sửa đổi thành “doanh thu quý 1- 2020 giảm 20% trở lên so với quý 4-2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019”. Đây chính là một điều kiện phù hợp trong thực tiễn, giúp người sử dụng lao động có thể tiếp cận tốt hơn với chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Có thể thấy, những sửa đổi về chính sách của Chính phủ và NHCSXH rất kịp thời và cần thiết để phù hợp thực tiễn. Từ đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người sử dụng lao động có thêm trợ lực vượt qua khó khăn nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Song để triển khai chính sách cho vay “đúng - trúng - hiệu quả”, tiếp tục đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các chủ thể, đơn vị tham gia. Các đơn vị thực hiện cho vay như NHCSXH phải tổ chức tập huấn nghiệp vụ, quán triệt đến toàn thể cán bộ trong toàn hệ thống để triển khai chính sách kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, đúng quy định, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Công tác tuyên truyền cần phải được coi trọng hơn để mọi người nắm rõ, hiểu rõ những thay đổi quan trọng trong nội dung của Nghị định, Quyết định. Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt việc tuyên truyền, phát huy vai trò giám sát để chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, tránh tiêu cực, bảo đảm công khai, minh bạch. Có như vậy mới hy vọng gói 16 nghìn tỷ đồng thông qua NHCSXH được giải ngân hiệu quả, cùng với đó là khoảng hơn ba triệu lao động sẽ được hỗ trợ kịp thời.