Hành vi cần bị lên án

Những ngày qua, hình ảnh về một nhóm người mặc đồ đen, bôi mặt đen, tay cầm đầu gà, xúc xích đi vào các nhà dân ăn xin thu hút sự quan tâm của dư luận. Đáng lo ngại là chỉ trong một thời gian ngắn, người dân tại một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Nguyên,... cho biết đều đã thấy xuất hiện những người đi xin ăn có hình dạng khác lạ như mô tả nêu trên. Vì các đối tượng thường xuyên di chuyển, mặt bị bôi đen nên rất khó xác định danh tính. Hiện, cơ quan chức năng tại các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh, đồng thời đưa ra khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng nếu ph&aacut

Tuy nhiên thay vì tin tưởng vào lực lượng chức năng, chung tay cùng cộng đồng chia sẻ thông tin, tham gia giám sát, kịp thời ngăn chặn những hành vi phạm pháp nếu xảy ra, trên mạng xã hội đã xuất hiện một số người đang cho mình quyền được phán xét, kết tội cũng như định hướng dư luận bằng ý kiến chủ quan của bản thân. Họ lên án chính quyền, đăng thông tin không đúng về sự xuất hiện của nhóm đối tượng ở địa phương mình, buộc tội nhóm đối tượng ăn xin là “chuyên đi bắt cóc trẻ con”, thậm chí dựng ra những câu chuyện rùng rợn về nhóm người này, reo rắc tâm lý bất an, sợ hãi trong sinh hoạt của cộng đồng. Đồng thời với mục đích câu like (lượt yêu thích), câu view (lượt xem) có người còn đóng giả các đối tượng bằng việc bôi mặt đen, vận đồ đen, cầm đĩa ăn xin đứng trước cổng một trường mầm non để chụp ảnh đưa lên facebook. Việc này đã gây tâm lý hoảng hốt, lo lắng cho không ít phụ huynh có con nhỏ đang theo học tại đây. Để tạo kịch tính, có người hóa trang thành người “ăn xin mặt đen” nhưng xuất hiện trong tình cảnh bị trói và đánh chảy máu, thu hút hàng nghìn người vào bình luận và chia sẻ. Mới đây, cư dân mạng còn tố giác một chủ quán yêu cầu nhân viên đóng giả các đối tượng đang gây sự chú ý này để xuất hiện ở quán mình như một cách để quảng bá cho quán! Đáng buồn là một số nghệ sĩ cũng đua theo khuynh hướng đóng giả kẻ ăn mày cầm đầu gà dọa mọi người để... mua vui! Những sự việc nêu trên đang gây bức xúc lớn trong dư luận.

Cần thấy rằng việc một số cá nhân lợi dụng một sự việc đang được nhiều người quan tâm để đùa cợt, đăng thông tin sai, xúc phạm cơ quan chức năng... không chỉ là sự vô thức, thiếu trách nhiệm với cộng đồng mà ở mức độ nhất định còn có thể bị xếp vào loại hành vi vi phạm pháp luật. Đây còn là biểu hiện của sự lệch chuẩn về văn hóa, về đạo đức, cần bị lên án. Bởi trật tự an toàn xã hội, kỷ cương, pháp luật của Nhà nước không thể bị đem ra cợt nhả, coi thường. Nếu không kịp thời có biện pháp ngăn chặn loại hành vi này thì hậu quả rất khó lường. Bởi từ đây sẽ xuất hiện thêm nhiều người, đặc biệt là giới trẻ chạy theo xu hướng sống thiếu lành mạnh, đua theo những khuynh hướng lệch lạc, tiêu cực, gây rối loạn xã hội, tác động xấu đến quá trình thực thi pháp luật của cơ quan chức năng.

Đã đến lúc không thể coi mạng xã hội là ảo, núp dưới những tên ẩn danh để rồi ai muốn làm gì tùy thích. Thực tế cho thấy những hệ lụy từ mạng xã hội có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, an ninh, chính trị của quốc gia. Do đó, mỗi người tham gia mạng xã hội cần nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân, thận trọng trước khi quyết định chia sẻ, đăng tải một nội dung hoặc thể hiện ý kiến của mình trên đó. Các hành vi vi phạm khi sử dụng mạng xã hội sẽ bị xử phạt theo Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019), và các quy định pháp luật có liên quan. Tham gia mạng xã hội có trách nhiệm sẽ giúp ngăn chặn các hành vi phản cảm và vi phạm pháp luật, góp phần gìn giữ an ninh trật tự và sự ổn định của xã hội.