Giữ ổn định thị trường lúa gạo trong nước

Vừa qua, thông tin Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Ðộ đã tạo sự chú ý trong dư luận. Cụ thể, các doanh nghiệp ngành lương thực Ấn Ðộ đã ký hợp đồng xuất khẩu sang Việt Nam 70.000 tấn gạo 100% tấm cho các lô hàng giao trong tháng 1 và tháng 2-2021, với giá khoảng 310 USD/tấn, theo phương thức giao hàng FOB (giá bán tại cảng xuất, chưa gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm). Ðây là lần đầu gạo Ấn Ðộ xuất khẩu sang Việt Nam, khiến nhiều người lo lắng về việc nước ta đang thiếu gạo phục vụ nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện các cơ quan chức năng và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo, việc Việt Nam nhập gạo 100% tấm của Ấn Ðộ tại thời điểm này là hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng gạo 100% tấm của Việt Nam đang rất lớn để phục vụ chế biến bột, bún,… và một số lĩnh vực khác; trong khi đó, nguồn cung trong nước lại đang khá khan hiếm.

Ðiều này cũng phù hợp quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo của Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó, Việt Nam chủ trương giảm diện tích lúa chất lượng trung bình, tăng diện tích lúa thơm, lúa đặc sản, để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chất lượng cao, giá cao, đồng thời phục vụ cả nhu cầu trong nước cũng đang hướng đến gạo thơm nhiều hơn, cho nên phân khúc gạo, tấm phục vụ chế biến sẽ giảm bớt và có thời điểm thiếu hụt. Với gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và chăn nuôi..., chúng ta không thiếu.

Năm 2020, cả nước thu hoạch 42,7 triệu tấn thóc, trong tháng 1-2021 sẽ thu hoạch khoảng hơn 1,2 triệu tấn thóc từ vụ đông xuân sớm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, kế hoạch sản xuất lúa đông xuân 2020 - 2021 và cả năm 2021 đều đang diễn ra bình thường. Về xuất khẩu gạo, quý I-2021 vẫn được dự báo ổn định khi các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như: Phi-li-pin, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của nước ta với mức giá rất khả quan. Năm 2021, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và một số hiệp định thương mại tự do khác đã ký sẽ có tác động tích cực hơn đối với hoạt động xuất khẩu gạo.

Nhìn từ góc độ khác, việc Việt Nam nhập khẩu gạo 100% tấm từ Ấn Ðộ cũng cần được các cơ quan chức năng lưu ý để chủ động tìm cách giữ ổn định thị trường lúa gạo trong nước, tránh tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng giá thấp đã nhập khẩu gạo từ nước ngoài về để chế biến, sau đó “phù phép” thành gạo Việt Nam. Nếu xảy ra điều này thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín mà Việt Nam đã và đang dày công xây dựng cho hạt gạo. Các địa phương trọng điểm trồng lúa cũng cần thông tin rõ ràng về vấn đề này đến các hộ nông dân, không để ảnh hưởng tâm lý hay nhầm tưởng thị trường đang “sốt” gạo chất lượng trung bình, dẫn đến tình trạng chuyển đổi giống lúa gieo trồng, ảnh hưởng các kế hoạch sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo dài hạn của nước ta.