Giữ gìn sự trong sáng của chính pháp

Ngày 6-1-2020 vừa qua, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành Công văn số 016/CV-HÐTS về việc tổ chức nghi lễ cầu bình an phục vụ nhu cầu xã hội trong dịp Tết cổ truyền Xuân Canh Tý.

Với mong muốn gìn giữ sự trong sáng của chính pháp, trong công văn mới ban hành, Hội đồng yêu cầu “các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni khi tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an phải bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng chính pháp của Phật giáo dễ bị xã hội hiểu lầm là lệch chuẩn tâm linh, và phải cẩn trọng trong khâu tổ chức tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh”. Ðặc biệt, Công văn số 016/CV-HÐTS cũng chỉ rõ: “Không dùng các thuật ngữ yếm thế như “giải hạn”, “dâng sao giải hạn”, “cắt giải oan gia trái chủ”… mà phải nêu bật ý nghĩa, sự vận hành luật nhân quả của Phật giáo, tạo phước đức bằng việc tránh ác, làm thiện, làm nhiều việc tốt, sống đời sống chính mạng, chính nghiệp mới có được sự an lạc, hạnh phúc, thịnh vượng và gặp nhiều thiện duyên trong đời sống”.

Ðây là việc làm cần thiết và kịp thời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) trong những ngày đầu năm mới nhằm kịp thời chấn chỉnh tình trạng biến tướng, trục lợi từ việc thực hành tín ngưỡng tâm linh. Cần khẳng định rằng việc tổ chức các lễ nguyện cầu bình an, sức khỏe, hạnh phúc, niềm vui trong dịp đầu xuân năm mới là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt Nam, đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của đông đảo nhân dân và đã trở thành nhu cầu tất yếu của xã hội. Tuy nhiên từ nhiều năm qua, tại không ít cơ sở thờ tự, lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của một số người dân, các “dịch vụ tâm linh” với mục tiêu trục lợi đã sinh sôi nảy nở và ngày càng phát triển, gây bất ổn xã hội. Không ít người vì u mê bỏ bê công việc để mải mê việc cúng bái, tốn kém từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng để làm lễ “dâng sao giải hạn”, “cắt giải oan gia trái chủ” nhằm hóa giải mọi tai ương, tật bệnh. Ðiều nguy hại hơn cả là từ đây niềm tin của con người trở nên lầm lạc, tha hóa. Thay vì chọn thái độ sống tích cực, hướng đến điều thiện, làm những việc có ích cho bản thân và cộng đồng, một số người có cái nhìn méo mó, tiêu cực về xã hội, và tin rằng chỉ cần chăm cầu cúng thì mọi việc sẽ hanh thông, toại nguyện. Ðây chính là môi trường màu mỡ cho những đối tượng lừa đảo núp bóng tâm linh kiếm lời và ngày càng lộng hành. Bằng chứng là nạn chùa giả, sư giả xuất hiện, các “dịch vụ tâm linh” được chào mời tận tình qua tin nhắn điện thoại cũng như rao bán công khai trên mạng xã hội. Nếu không kịp thời ngăn chặn, việc cầu nguyện bình an dịp đầu năm mới vốn là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc sẽ bị biến tướng, lệch lạc, các tệ nạn, tội phạm xuất hiện gây nhiễu loạn xã hội, làm mất niềm tin của cộng đồng.

Cùng với Nghị định 110/2018/NÐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Công văn số 31/CV-HÐTS (ngày 12-2-2018) của Trung ương GHPGVN về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo thì Công văn 016/CV-HÐTS của Hội đồng Trị sự GHPGVN vừa được ban hành cho thấy sự vào cuộc tích cực và kiên quyết của GHPGVN nhằm ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực trong việc thực hành tín ngưỡng tâm linh, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cũng như của Giáo hội, mỗi cá nhân trong việc thực hành tín ngưỡng tâm linh cũng cần nâng cao hiểu biết, tránh bị lợi dụng, đồng thời cần phải tự ý thức được rằng mọi thành quả có được chính là từ sự nỗ lực tự thân chứ không thể trông chờ vào việc cầu cúng hay may rủi của số phận, từ đó lựa chọn cho mình cách sống đúng đắn, lành mạnh, tuân thủ pháp luật.