Ðể sân khấu thực cảnh thu hút khách

Sân khấu thực cảnh là loại hình nghệ thuật sử dụng hiệu ứng sân khấu hiện đại trên nền cảnh quan thực tế, thường là sân khấu ngoài trời rộng lớn, bao gồm các yếu tố cảnh sắc thiên nhiên hài hòa với đời sống sinh hoạt của người dân bản địa. Các vở diễn thường cuốn hút về độ hoành tráng, cả về khung cảnh lẫn số lượng diễn viên và mức độ đầu tư của nhà sản xuất.

Ở nhiều nước trên thế giới, sân khấu thực cảnh được xem như một sản phẩm văn hóa, giải trí phổ biến để thu hút khách du lịch. Tại Việt Nam, loại hình sân khấu này tuy còn khá mới, nhưng đã thật sự tăng thêm sức hấp dẫn cho du lịch. Mở màn cho xu hướng này là Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội, với vở diễn "Thuở ấy xứ Ðoài", phần kịch bản và dàn dựng do đạo diễn Việt Tú đảm nhiệm; sau này chuyển sang vở "Tinh hoa Bắc Bộ" (vở diễn phái sinh từ vở "Thuở ấy xứ Ðoài") do Phạm Hoàng Nam đạo diễn tại sân khấu thực cảnh hơn 3.000 m2 ở khu vực Sài Sơn, Quốc Oai (Hà Nội). Sau đó là một vở diễn thực cảnh khác có tên gọi "Ký ức Hội An" với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Ðầu tư du lịch và kinh doanh hội nghị Gami Hội An, có tổng diện tích xây dựng 8.000 m2.

Những vở diễn nghệ thuật thực cảnh có quy mô lớn, phần nào làm mãn nhãn du khách, đồng thời giới thiệu được những vẻ đẹp văn hóa tiêu biểu, đặc sắc đến với bạn bè quốc tế, cho nên cần được ủng hộ. Không dễ để dàn dựng một vở thực cảnh vì yêu cầu đầu tư phải đủ mạnh về tài chính đồng thời phải yêu và nặng lòng với văn hóa. Tuy nhiên, để có một vở diễn thực cảnh được khán giả yêu thích, là cả một chặng đường dài. Vấn đề quan trọng nhất là chất lượng nghệ thuật. Ở nhiều nước, các vở diễn thực cảnh thường gắn liền với tên tuổi đạo diễn bậc thầy - những người có khả năng truyền tải các giá trị văn hóa sâu rộng cũng như đủ nội lực để tạo ra sự hấp dẫn cho khán giả. Ở nước ta, hình như các nhà đầu tư du lịch chưa quan tâm nhiều đến chất lượng vở diễn, chưa thật sự trân trọng những giá trị căn cốt của văn hóa. Họ chưa biết sử dụng những chuyên gia am tường nhất về văn hóa lịch sử và nghệ thuật biểu diễn để xây dựng nội dung vở diễn.

Câu chuyện vở diễn "Ký ức Hội An" bị giới phê bình chê về nội dung là bài học cho thấy trước khi quyết định xây dựng một vở diễn thực cảnh, nhà đầu tư nếu không tham khảo ý kiến thấu đáo của các chuyên gia về văn hóa cũng như nghệ thuật biểu diễn thì cái giá phải trả có khi rất đắt. Vở diễn phải sửa đi sửa lại nhiều lần, vừa tốn kém lại bị mất đi thiện cảm với khán giả, du khách. Hay vụ kiện tụng lùm xùm giữa đạo diễn Việt Tú và Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội chung quanh vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" cũng cho thấy một điều, trong kinh doanh văn hóa luôn cần sự am tường luật pháp, hiểu biết và tôn trọng vấn đề tác quyền.

Một loại hình nghệ thuật mới dĩ nhiên sẽ còn nhiều vấn đề để bàn, công chúng cũng không thể đòi hỏi ngay lập tức sự hoàn thiện. Bên cạnh những lùm xùm thì thành tựu có được của một vài vở diễn thực cảnh đầu tiên cũng đáng để tự hào. Chẳng hạn vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ", sau một năm ra mắt công chúng đã nhận được Giải vàng Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương hạng mục "Ðổi mới truyền thông" cùng hai kỷ lục Ghi-nét cho hạng mục "Sân khấu có diện tích mặt nước lớn nhất Việt Nam" và "Sân khấu có số lượng diễn viên là nông dân nhiều nhất Việt Nam", lên sóng kênh truyền hình Mỹ nổi tiếng CNN… Ðây là điều đáng khích lệ, góp phần vào việc quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, vì đây là một loại hình nghệ thuật quá mới với công chúng, cho nên việc duy trì và quảng bá các vở diễn luôn cần một chiến lược dài hạn từ nhà đầu tư. Bởi xét cho cùng, sự yêu mến, ủng hộ của khán giả, khách du lịch mới chính là yếu tố quan trọng nhất để các vở diễn thực cảnh "sống" được.