Ðể kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao

Với việc thực hiện thành công mục tiêu kép hai năm liên tiếp: giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong khi tăng trưởng GDP ở mức cao, lần lượt đạt 7,08% và 7,02% các năm 2018 và 2019 cùng với kiểm soát tốt lạm phát dưới 4%, đã cho thấy sự khởi sắc mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại và ngày càng có thêm nhiều yếu tố bất định.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế bước đầu được cải thiện, tăng trưởng giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Năm 2019, đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) ước đạt 46,11%, năng suất lao động duy trì nhịp độ tăng. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, tạo môi trường, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ðáng lưu ý, bức tranh kinh tế ngày càng có thêm nhiều điểm sáng: tăng trưởng diễn ra toàn diện trên cả ba khu vực kinh tế lớn: công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, khắc phục một số bất cập, yếu kém vốn có của nền kinh tế. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng khắp với 5 năm liên tiếp có số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, kinh tế Việt Nam đang diễn biến theo một trạng thái mới khác biệt với nhiều nền kinh tế trong khu vực. Ðó là tăng trưởng ở mức cao nhưng không chịu sức ép của lạm phát; độ mở nền kinh tế cao nhưng đã giảm bớt sự nhạy cảm với các tác động tiêu cực của thương mại toàn cầu. Quy luật cứ 5 năm tăng trưởng sẽ đến giai đoạn chậm lại dường như đã đến lúc đổi chiều vì diễn biến thực tế đang đặt nhiều kỳ vọng ở giai đoạn sau năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh và trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao. Ðây là kết quả của việc điều hành kinh tế vĩ mô đồng bộ và nhất quán của Chính phủ với mục tiêu nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020. Lạc quan về triển vọng năm 2020 và những năm tiếp theo nhưng giới chuyên môn cũng đưa ra những cảnh báo rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt. Ðó là những ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu quan trọng do căng thẳng thương mại giữa các quốc gia lớn và những bất ổn về chính trị toàn cầu. Trong khi đó, bản thân động lực chính cho tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là công nghiệp chế biến, chế tạo đã bắt đầu giảm tốc và tăng trưởng thấp kể từ quý IV năm 2019.

Nhận định năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Chính phủ đã đề ra phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả" trong Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020 với trọng tâm chỉ đạo, điều hành là hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ðẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất, hiệu quả hơn. Phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, lan tỏa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường... Việc cần làm hiện nay là các bộ, ngành và địa phương cần hết sức nỗ lực, nghiêm túc, quyết liệt, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tập trung vào những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.