Duy trì những thói quen tốt

Việt Nam đã đạt được những thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc giãn cách xã hội bắt đầu được nới lỏng từ ngày 23-4. Dịch bệnh gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, nhưng ở một khía cạnh khác, lại mang đến một số mặt tích cực, giúp nhiều người hình thành những thói quen tốt.

Nhiều người chú trọng giữ gìn vệ sinh hơn, từ vệ sinh cá nhân, cho tới vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, vệ sinh đường phố, đường làng, hay trên phương tiện giao thông... Tình trạng xả rác nơi công cộng, thói quen khạc nhổ bừa bãi cũng ít đi, nhất là hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh giảm rõ rệt. Ít tham gia hoạt động ngoài xã hội không cần thiết, mọi người dành nhiều thời gian cho gia đình hơn.

Giãn cách xã hội khiến nhiều người làm quen với cuộc sống “online”, làm việc qua mạng in-tơ-nét, mua bán, sử dụng dịch vụ trực tuyến... Trong đó, không ít cơ quan, doanh nghiệp nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ làm việc trực tuyến hay kết hợp giữa làm việc trực tuyến với hình thức làm việc thông thường, tiết kiệm được thời gian đi lại, không gian làm việc. Nhiều đối tượng trước đây vốn không coi trọng, hoặc ngại tìm hiểu, sử dụng in-tơ-nét... cũng dần trở thành “cư dân mạng”. Đây là tiền đề quan trọng để những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... triển khai xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử.

Thông thường, một thói quen của xã hội chỉ hình thành sau một thời gian dài tuyên truyền, xây dựng; có khi phải mất hàng chục năm. Tuy nhiên, khác với việc xây dựng một thói quen từ đầu, chúng ta đang có điều kiện thuận lợi là có sẵn “đà” thực hành những thói quen ấy từ việc phòng, chống dịch bệnh. Một số thói quen trong sinh hoạt kể trên nếu được đưa vào trong các Quy tắc ứng xử, trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, rồi triển khai, đánh giá hiệu quả thực hiện một cách nghiêm túc sẽ góp phần xây dựng nếp sống văn minh từ gia đình đến xã hội. Thời gian qua, mọi người chăm chỉ thực hành những thói quen, phần vì lo sợ lây nhiễm, phần vì sợ bị phạt khi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Bởi vậy, các hành vi vi phạm càng cần phải bị xử lý nghiêm; hoặc bổ sung thêm chế tài xử lý nếu quy định pháp luật chưa đầy đủ. Đối với mô hình làm việc trực tuyến, việc xây dựng môi trường thương mại điện tử, xây dựng đô thị thông minh, điều cần thiết là phải có hạ tầng công nghệ bảo đảm, giám sát và chọn lọc các phần mềm hữu ích để cuộc sống “online” diễn ra thuận tiện nhất.

Tuy nhiên, không phải mọi thói quen hình thành trong thời gian qua đều tốt. Những ngày thực hiện giãn cách xã hội khiến cho guồng quay của xã hội chậm lại, công việc đình trệ, kỷ luật lao động lỏng lẻo, năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc ở một số lĩnh vực bị giảm. “Quán tính” này nếu vẫn duy trì khi cuộc sống trở lại bình thường thì sẽ là một nguy cơ lớn đối với sự phát triển. “Gạn đục, khơi trong” những thói quen mới tích cực hình thành trong giai đoạn cả cộng đồng phòng, chống dịch là điều hết sức cần thiết.