Đưa trái cây Việt Nam ra thị trường thế giới

Cuối tháng 5 vừa qua, lô vải đầu tiên của huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương được xuất khẩu sang Xin-ga-po, Mỹ, Ô-xtrây-li-a. Hiện, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn GlobalGAP của Hải Dương phục vụ xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao, ước tính cho sản lượng khoảng 1.500 tấn. Còn tại tỉnh Bắc Giang, đầu tháng 6 này, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ vải thiều. Trong đó, có 18 mã số vùng trồng trên diện tích 218 ha tại huyện Lục Ngạn với sản lượng ước đạt hơn 1.000 tấn vải, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ và châu Âu. Đây là tiền đề tốt cho việc xuất khẩu trái vải những năm tiếp theo, nhất là trong bối cảnh lâu nay loại quả này hiện đang bị phụ thuộc quá nhiều vào sức mua của thị trường Trung Quốc.

Không chỉ vải thiều, mới đây, một biên bản ghi nhớ giữa Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Công ty Tài chính quốc tế IFC - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cũng đã được ký với mục tiêu hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu cho trái cây chất lượng cao của Việt Nam. Theo đó, trong bốn năm tới, IFC sẽ phối hợp Cục Bảo vệ thực vật cải thiện khung pháp lý và các dịch vụ công để mở cửa thị trường xuất khẩu mới, trong đó tập trung vào những trái cây đạt tiêu chuẩn quốc tế như thanh long và chanh leo. Trong năm 2022, IFC sẽ hỗ trợ triển khai hệ thống trực tuyến về các yêu cầu liên quan xuất khẩu thanh long và chanh leo, như: xây dựng tiêu chuẩn, kiểm nghiệm và chứng nhận tiêu chuẩn cho các sản phẩm tươi, chế biến. Điều này không chỉ giúp trái cây Việt Nam tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới mà còn giúp ngành xuất khẩu rau, quả nước ta có thể thích ứng nhanh và hiệu quả với những biến động, rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, hoặc trước những sụt giảm đột ngột về nhu cầu ở một số thị trường truyền thống như đang xảy ra trong đại dịch Covid-19 hiện nay.

Việc có nhiều thị trường mới, chất lượng cao cấp phép xuất khẩu cho các mặt hàng trái cây của Việt Nam thời gian qua đã chứng tỏ sản phẩm của nước ta đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm với những tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới. Tuy nhiên hiện nay, diện tích cũng như sản lượng các mặt hàng đủ tiêu chuẩn chưa nhiều, hầu hết mới chỉ trong phạm vi một vùng trồng nhỏ hoặc một vài địa phương. Điều này có hạn chế là khi các nước nhập khẩu cần số lượng hàng đều đặn với những hợp đồng lớn thì rất có thể vùng nguyên liệu không đủ cung cấp, dễ dẫn đến nguy cơ bị mất hợp đồng. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra đối với việc sản xuất trái cây ở Việt Nam hiện nay là phải mở rộng được vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo thông lệ quốc tế, cũng như yêu cầu cụ thể của từng quốc gia nhập khẩu thông qua việc cập nhật và thực hiện các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc... Muốn làm được điều này cần xây dựng quy trình sản xuất theo chuỗi, gắn kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, vai trò chủ lực thuộc về doanh nghiệp và nông dân với nỗ lực thực hiện nghiêm ngặt và hoàn thành tốt nhất từng khâu nhỏ trong cả chuỗi giá trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, bảo quản, vận chuyển, nhằm tạo ra những sản phẩm đồng đều, ổn định về mẫu mã và chất lượng.