Đòn bẩy và động lực

Phong trào thi đua (PTTĐ)  Lao động giỏi, Lao động sáng tạo được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động hơn 20 năm qua đã khẳng định hiệu quả thiết thực, thực chất, là phong trào quan trọng có tính lan tỏa rộng rãi trong các khu vực, nhất là khu vực sản xuất, kinh doanh. 

Cho đến nay, phong trào vẫn khẳng định vị thế là PTTĐ trọng tâm trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) cả nước. Các PTTĐ yêu nước trong CNVCLĐ có bước trưởng thành, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, làm cho thi đua thật sự là đòn bẩy, là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ động viên đông đảo người lao động (NLĐ), phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhiều sáng chế, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới thiết bị và phương pháp công nghệ của CNVCLĐ được triển khai vào sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp (DN), đơn vị khắc phục khó khăn, thúc đẩy năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh; cải thiện điều kiện lao động, môi trường, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện đời sống người lao động (NLĐ). Có được thành quả đó là do tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn coi trọng và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các PTTĐ yêu nước trong CNVCLĐ. Thời gian qua, công tác thi đua của tổ chức công đoàn có nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức và biện pháp tổ chức thực hiện, kết hợp chặt chẽ giữa thi đua và khen thưởng. Các PTTĐ đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, có tác động tích cực đến tư tưởng, nhận thức và hành động của NLĐ.  Kết quả lao động sáng tạo, cần cù của hàng triệu CNVCLĐ đã góp phần đưa đất nước có bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2016 -2020) mà Đảng và Chính phủ đề ra.  

Bên cạnh những kết quả nêu trên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập của PTTĐ thời gian qua như: Việc tổ chức các PTTĐ chưa đồng đều, chưa toàn diện, rộng khắp trên các lĩnh vực, thành phần kinh tế. Các PTTĐ ở các khối sản xuất, kinh doanh, đoàn thể được phát động, duy trì có kết quả rõ.  Tuy nhiên, khối hành chính, sự nghiệp, một số cơ quan, các PTTĐ chưa được thường xuyên phát động và duy trì. Nội dung thi đua còn chung chung, thiếu chỉ tiêu, giải pháp cụ thể. Trong sản xuất, kinh doanh, khu vực đầu tư nước ngoài, DN vừa và nhỏ, khu vực vùng sâu, vùng xa chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều lúng túng trong nội dung, cách thức tổ chức. Việc bình xét khen thưởng có nơi, có lúc chưa công bằng, còn nể nang, cào bằng...  

5 năm tới (2021 - 2025) là giai đoạn có tính bước ngoặt của tổ chức Công đoàn Việt Nam, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) đã được ký kết có ảnh hưởng và tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trực tiếp là sự phát triển của DN, đời sống, việc làm của  NLĐ và hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Các hiệp định thương mại cam kết sẽ có sự ra đời và hoạt động của các tổ chức đại diện NLĐ khác tại cơ sở. Dự báo, thời gian tới, tại Việt Nam lần đầu sẽ có thêm tổ chức đại diện NLĐ bên cạnh tổ chức công đoàn. Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến toàn bộ nền kinh tế và đời sống xã hội đất nước, nhiều DN gặp khó khăn phải giảm quy mô sản xuất, thậm chí phải ngừng hoạt động, hàng nghìn NLĐ bị ngừng việc, giãn việc hoặc mất việc làm, đời sống và việc làm NLĐ bị ảnh hưởng nặng nề. Để vượt qua khó khăn, thách thức, đòi hỏi cán bộ công đoàn các cấp, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ cả nước cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thi đua lao động, nâng cao năng suất lao động, hiệu suất công tác. 

Thời gian tới, tổ chức công đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho CNVCLĐ về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Đổi mới, nâng cao hiệu quả sáu PTTĐ và một cuộc vận động do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, trọng tâm là PTTĐ Lao động giỏi, Lao động sáng tạo. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và hoạt động công đoàn. Làm tốt công tác phát hiện, lựa chọn, tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến, chú trọng khen thưởng đối với công nhân lao động trực tiếp. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phúc lợi đoàn viên và các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, lợi ích thiết thực cho đoàn viên, NLĐ, góp phần nâng cao vị trí, vai trò, của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Phát động đợt thi đua cao điểm vượt thách thức, đón thời cơ sau dịch Covid-19, thúc đẩy năng suất lao động, hiệu suất công tác trong các cấp công đoàn. Qua đó, động viên cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo, thi đua lao động giỏi, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao; đồng hành cùng DN, người sử dụng lao động thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh.