Để mọi đoàn viên, người lao động đón Tết Canh Tý đầm ấm

Còn hơn hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Đây là thời điểm, tổ chức Công đoàn thể hiện rõ nét nhất vai trò của mình trong chăm lo đoàn viên, người lao động (NLĐ), làm vợi bớt sự vất vả, lo toan của đoàn viên, NLĐ khó khăn, với phương châm mọi công nhân lao động (CNLĐ) đều có Tết đầm ấm.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, các hoạt động chăm lo Tết cho NLĐ được các cấp công đoàn tổ chức chu đáo, thiết thực. Chương trình “Tết Sum vầy” được tổ chức đồng loạt, tập trung ở cấp cơ sở, tạo thành đợt cao điểm, mang đậm dấu ấn của tổ chức công đoàn, được NLĐ, dư luận xã hội và các tầng lớp nhân dân ghi nhận, đánh giá tích cực. Có hơn 4,6 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được chăm lo với tổng số tiền lên đến hơn ba nghìn tỷ đồng, tăng 49% về số người và tăng 48,4% số tiền so với năm 2018. Các cấp công đoàn kịp thời quan tâm NLĐ tại các doanh nghiệp (DN) có chủ bỏ trốn, DN không có khả năng chăm lo Tết cho NLĐ, NLĐ mất việc làm, NLĐ xa quê, có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết.

Nối tiếp thành công của chương trình “Tết Sum vầy” các năm trước, Chương trình “Tết Sum vầy” năm 2020 cần được các cấp công đoàn tổ chức rộng khắp ở các khu công nghiệp (KCN), các DN lớn, ở nơi có đông CNLĐ, tạo điểm nhấn để các cấp chính quyền, đoàn thể và cả hệ thống chính trị cùng tham gia các hoạt động chăm lo, gắn với các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam…

Các cấp công đoàn cần vận động, phát huy nguồn lực của toàn xã hội, tổ chức rộng khắp, đa dạng các hình thức hoạt động chăm lo Tết, bảo đảm kịp thời, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa. Tập trung hỗ trợ đoàn viên và NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các gia đình chính sách, đoàn viên và NLĐ nhiều năm chưa có điều kiện về quê sum họp với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. Tham gia kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, không để người sử dụng lao động lợi dụng buộc NLĐ tăng ca, làm thêm giờ, không được nghỉ Tết hoặc nghỉ Tết ít hơn thời gian luật định.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cần chủ động phối hợp Ban quản lý các KCN, khu kinh tế, khu chế xuất nắm tình hình nợ lương 2019, tiền lương và kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết dương lịch 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý cho NLĐ ở các DN trong và ngoài KCN, khu kinh tế, khu chế xuất. Trong đó, cần tập trung vào các nhóm DN: Dệt may, da giày, chế biến thủy sản và chế biến gỗ là những nhóm DN nguy cơ nợ lương, chủ DN bỏ trốn, đóng cửa hoặc khó khăn trong kinh doanh. Chủ động đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết. Kịp thời phát hiện, chủ động phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có các giải pháp bảo đảm quyền lợi của NLĐ ở các DN gặp khó khăn, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản.

Tổ chức các hoạt động đưa đoàn viên, NLĐ về quê đón Tết bảo đảm đúng đối tượng, chu đáo, an toàn, thuận lợi. Tổ chức các hoạt động vui Tết và thăm, động viên những đoàn viên, NLĐ không có điều kiện về quê. Phối hợp với các đối tác đã ký kết Chương trình phúc lợi đoàn viên, tổ chức các hội chợ giảm giá, các chương trình ưu đãi mặt hàng thiết yếu phục vụ đoàn viên, NLĐ. Bên cạnh đó tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ đón Tết, vui Xuân tiết kiệm, an toàn, chấp hành các quy định của pháp luật và trở lại làm việc đúng thời gian quy định. Công đoàn cơ sở cần chủ động tham gia với người sử dụng lao động công khai, giám sát thực hiện kế hoạch trả tiền lương, tiền thưởng, các khoản phúc lợi khác bảo đảm quyền lợi của đoàn viên và NLĐ. Đề xuất người sử dụng lao động sớm có thông báo cụ thể về thời gian, kế hoạch nghỉ Tết và giải quyết các chế độ chính sách về tiền lương, thưởng cuối năm, chế độ phép năm… đầy đủ, kịp thời cho CNLĐ. Đồng thời, chủ động đề xuất chủ DN tổ chức thăm hỏi, tặng quà, mừng tuổi… cho đoàn viên, NLĐ ngoài tiền lương được thanh toán theo quy định của pháp luật. Đối với các DN tổ chức cho CNLĐ làm việc trong dịp Tết phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, có các chính sách động viên đối với NLĐ. Phối hợp với người sử dụng lao động tạo điều kiện thuận lợi cho CNLĐ có nhu cầu về quê đón Tết, như: đăng ký mua vé tàu, xe, tổ chức xe đưa NLĐ ra bến xe, ga tàu; đề xuất những DN có điều kiện tổ chức xe đưa đón công nhân về quê đón Tết và trở lại làm việc nhằm bảo đảm tập trung đủ lực lượng CNLĐ ổn định sản xuất ngay từ đầu năm.

Qua nhiều năm chăm lo Tết cho CNLĐ, tổ chức công đoàn đã khẳng định vai trò là cầu nối giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ cũng như vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn, là động lực quan trọng trong xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và phát triển của DN.