Để “lò xo kinh tế” bung đúng hướng

Sau đợt cao điểm chống đại dịch Covid-19 kéo dài từ 1 đến 22-4, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình khi cả nước không có người tử vong và chữa khỏi bệnh cho 225 trong tổng số 270 người nhiễm bệnh. Nhờ những kết quả ấn tượng đó, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao về năng lực đối phó, kiểm soát đại dịch Covid-19 và nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Chính phủ đã, đang và sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng đại dịch, như các gói hỗ trợ về tiền tệ (khoảng 300 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (hơn 62 nghìn tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 11 nghìn tỷ đồng)... Khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt hơn và chưa biết khi nào chấm dứt hoàn toàn, việc tái khởi động nền kinh tế là điều đặc biệt cần thiết để cuộc sống của người dân sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các kịch bản phục hồi kinh tế hậu Covid-19 đang được xây dựng và xúc tiến triển khai ở cả cấp quốc gia, ngành và địa phương, dựa theo ba nhóm tiêu chí phân biệt mức độ lây lan (nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp) của dịch Covid-19, trong đó, sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để đáp ứng cả mục tiêu kép là tiếp tục kiểm soát an toàn dịch bệnh và điều tiết để "lò xo kinh tế" bung ra đúng lúc, đúng hướng và hiệu quả cao. Do đó, cần ưu tiên nhận diện và kịp thời có những thay đổi trong tư duy và phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp theo tâm thế mới "sống chung với dịch bệnh", thực hiện "kinh doanh an toàn".

Các địa phương và các doanh nghiệp cần tập trung phát triển nông nghiệp, tái đàn; chủ động điều chỉnh các kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thực hiện tốt và hạn chế các tranh chấp xảy ra đối với những hợp đồng kinh tế đã ký; cải thiện các liên kết, sắp xếp lại và khắc phục các đứt gãy chuỗi cung ứng kinh tế vĩ mô và vi mô, tăng tổng cung và tổng cầu xã hội, hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước và đẩy mạnh sản xuất thay thế nhập khẩu, với phương châm vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và "Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam"... Ðồng thời, tăng cường nắm bắt và khai thác, ứng dụng các xu hướng và thành tựu công nghệ 4.0, gia tăng các hoạt động và ứng dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế nền tảng và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống; đẩy mạnh xử lý trực tuyến dịch vụ công; phát triển các ứng dụng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và làm việc từ xa…

Để giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm, dù với bất kỳ kịch bản nào, cũng cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và kiểm soát tình trạng độc quyền, lợi ích nhóm và thổi bùng khát vọng quốc gia, với tinh thần đặt lợi ích đất nước lên trên hết, quyết liệt phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; trọng dụng nhân tài và khai thác tốt các cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do mới; tăng cường xúc tiến thương mại; chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu, sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước; nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tài chính, tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường, thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối, ngân hàng với doanh nghiệp…

Dù chưa thể và không thể kỳ vọng mọi thứ ngay lập tức quay trở lại quỹ đạo bình thường, song với tinh thần cộng đồng đoàn kết, xã hội sẻ chia, chúng ta có thể tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục chiến thắng cả vi-rút Corona và "vi-rút trì trệ". Nên nói thêm, năm 2020, Việt Nam vẫn được Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Ðông - Nam Á và đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3% như Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch (Mỹ) vừa dự báo. Những kết quả đạt được ban đầu khả quan trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy sức mạnh của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và đó chính là tiền đề quan trọng, bệ phóng vững chắc để đất nước ta nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh và hướng tới những mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.