Để dân nghe, dân tin

Thành phố Hồ Chí Minh đang quyết liệt xử lý những trường hợp vi phạm liên quan lĩnh vực trật tự xây dựng, trong đó, đã kỷ luật không ít cán bộ, đảng viên. Chỉ trong chín tháng năm 2019, quận Thủ Đức đã xử lý kỷ luật tám tập thể, 28 cá nhân; huyện Bình Chánh kỷ luật 30 tập thể, cá nhân; huyện Hóc Môn kỷ luật 50 cán bộ; quận 9 và các địa phương khác cũng đều có cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật.

Điều đáng quan tâm, trong số hàng trăm cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật có rất nhiều người trực tiếp vi phạm, tức là trực tiếp xây dựng nhà trái phép, sai phép. Trường hợp ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức xây dựng trái phép tới bảy công trình gồm cả nhà xe, xưởng gỗ, xưởng cơ khí, nhà cửa với tổng diện 1.800 m2 là một minh chứng. Dù đang giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt của quận nhưng ông Thành không có ý thức nêu gương. Đáng nói hơn, các công trình sai phạm được xây dựng giữa thanh thiên bạch nhật, trước sự chứng kiến của nhiều người dân. Bảy năm là khoảng thời gian từ ngày phát hiện các công trình xây dựng trái phép cho đến ngày chính quyền cấp phường ra quyết định cưỡng chế, tháo dỡ. Thế nhưng, việc cưỡng chế vẫn bị “chặn” ở phút cuối chỉ với lý do “phải rà soát quy trình”!

Người dân tại TP Hồ Chí Minh trong mấy ngày qua đặt câu hỏi: Không biết lãnh đạo quận Thủ Đức sẽ “rà soát quy trình” đến khi nào nếu như đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh không trực tiếp xuống tận nơi chỉ đạo, xử lý? Vì sao việc xử lý công trình sai phép của cán bộ lại khó đến vậy?

Phát biểu với báo giới, Bí thư Quận ủy Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường thể hiện quan điểm rất cương quyết: Ban Thường vụ Quận ủy nhận thức công tác chấn chỉnh tình trạng xây dựng trái phép, không phép phải làm rất tập trung, nhất là khi có chỉ thị của Thành ủy. Quan điểm của quận là xử lý nghiêm, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải đặt vấn đề: Ngày 25-2-2019, thành phố đã kỷ luật cảnh cáo Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức. Vậy mà, bảy tháng sau vẫn tồn tại những vi phạm tương tự. Quận phải trả lời nguyên nhân vì sao nhà ông Lê Hữu Thành xây dựng trái phép từ năm 2012 đến nay vẫn tồn tại? Phải chăng do kiêng nể ông Thành là Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch HĐND quận, hay do một nguyên nhân nào khác?

Câu hỏi của ông Phạm Đức Hải cũng chính là điều mà nhiều người dân quan tâm lúc này. Nếu “không có ngoại lệ”, “không bao che” thì chính lãnh đạo cao nhất của địa phương này phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm của cấp dưới. Đây cũng chính là bài học được rút ra trong công tác xử lý cán bộ vi phạm tại huyện Bình Chánh trong thời gian qua. Bởi lẽ, dù số lượng cán bộ bị xử lý kỷ luật tại địa phương này rất nhiều, trải khắp các vị trí nhưng có một điểm chung đều là cán bộ cấp dưới. Không một ai trong Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, sai pháp luật tràn lan suốt thời gian dài. Để người dân tin việc “không bao che”, “không ngoại lệ” không phải là khẩu hiệu, mới đây, Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phải xem xét trách nhiệm của Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, kéo dài ở địa phương.