Để có thêm một vụ đông thắng lợi

Ở các tỉnh miền bắc, ngay sau vụ lúa mùa, nông dân tranh thủ bắt tay vào sản xuất vụ đông, vừa tạo nguồn thực phẩm cho gia đình, vừa cung cấp sản phẩm cho xã hội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Những năm gần đây, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm của nông dân miền bắc. Theo Cục Trồng trọt, diện tích cây vụ đông năm 2019 đạt 388.000 ha, tổng giá trị đạt khoảng 31.500 tỷ đồng. Vụ đông năm nay, miền bắc sẽ phấn đấu trồng từ 430.000 - 450.000 ha, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 36 nghìn tỷ đồng. Trung bình, mỗi héc-ta vụ đông đạt giá trị khoảng 75 triệu đồng. Cơ cấu cây trồng vụ đông chuyển dịch mạnh mẽ, từ cây trồng có giá trị thấp sang cây trồng có giá trị cao hơn như nhóm cây dược liệu, nhóm rau, củ, quả; rau chất lượng cao; ngô sinh khối; hoa, cây cảnh; sản xuất trong nhà màng, nhà lưới gắn với sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có thị trường đầu ra ổn định; trồng rải vụ... đã góp phần làm tăng hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích.
 
 Đến thời điểm này, nông dân miền bắc đang sản xuất vụ đông khá thuận lợi, cung cấp nhiều chủng loại rau, củ, quả cho thị trường và chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Đặc biệt, do dự báo thị trường thế giới ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu xuất khẩu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo sẽ tăng cao. Tuy nhiên, vẫn còn số ít nông dân không mặn mà với cây vụ đông; vẫn để không ruộng do thiếu nhân lực lao động; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào thị trường, đầu tư chế biến, ký hợp đồng tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Một số nơi, người dân vẫn trồng rau, củ, quả theo thói quen canh tác truyền thống, chạy theo số lượng, thiếu sự liên kết vùng miền, có thời điểm trồng quá nhiều một loại sản phẩm khiến cung vượt cầu, tái diễn điệp khúc “được mùa, giảm giá”...
 
 Để đạt mục tiêu đặt ra, đồng thời bảo đảm lượng hàng hóa nông sản phục vụ cho cả nước trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021, ngành nông nghiệp các địa phương cần đẩy mạnh vụ đông theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Từng địa phương căn cứ vào diện tích, nguồn nước, đất đai và thị trường, chủ động bố trí thời vụ, diện tích với cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm vừa bảo đảm đạt diện tích sản xuất vụ đông tối đa, đồng thời bảo đảm hiệu quả về kinh tế. Cần hướng dẫn nông dân trồng rải vụ đối với nhóm rau để bảo đảm nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa. Chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách mới, phù hợp điều kiện cụ thể để hỗ trợ nông dân phát triển cây vụ đông. Cơ chế, chính sách hỗ trợ cần tập trung vào các khâu xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ những vùng có diện tích cây vụ đông lớn, giúp nông dân xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm. Cần rà soát, điều chỉnh kế hoạch vùng gieo trồng cây vụ đông; đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa, hình thành những vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, ngành nông nghiệp các tỉnh cần hướng dẫn nông dân tập trung ưu tiên phát triển ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi. Theo Cục Chăn nuôi, tổng nhu cầu ngô sinh khối cần cho chăn nuôi đại gia súc hiện là 27,6 triệu tấn/năm, trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi mới tự cung cấp được khoảng 70%, còn lại phải nhập khẩu. Các địa phương cần theo dõi chặt diễn biến thời tiết, khuyến cáo nông dân chuẩn bị kỹ các phương án đối phó rét đậm, rét hại. Theo dự báo, vụ đông năm nay, hiện tượng La Nina đã xuất hiện và sẽ tiếp tục duy trì từ nay đến những tháng đầu năm 2021, rét đậm, rét hại tập trung trong khoảng thời gian từ nửa cuối tháng 12-2020 đến tháng 2-2021.
 
 Theo các chuyên gia nông nghiệp, để có thêm một vụ đông thắng lợi, một trong những yếu tố mấu chốt là nông dân cần tập trung sản xuất những sản phẩm mà thị trường đang cần. Do đó, ngành nông nghiệp cần chú trọng khuyến khích doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông. Chỉ khi có nhiều doanh nghiệp tham gia, trực tiếp thuê nông dân sản xuất hoặc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, chủ động nguồn tiêu thụ, mới bảo đảm cho vụ đông thắng lợi.