Đẩy mạnh xuất khẩu thịt lợn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lợn lớn, với quy mô tổng đàn lợn hiện đạt hơn 27,1 triệu con, song giá trị xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam còn khiêm tốn (năm 2020 đạt hơn 50 triệu USD). Cục Thú y cho biết, đến nay chúng ta mới xuất khẩu chính ngạch lợn sữa, lợn choai sang Hồng Công (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a với số lượng hạn chế; sản phẩm ruốc, giò chả chế biến từ thịt lợn được xuất sang Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Ma Cao (Trung Quốc)... Tính chung, lượng thịt lợn phục vụ xuất khẩu còn quá ít so với sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng dự kiến sẽ đạt khoảng 3,87 triệu tấn trong năm 2021. Mặt khác, một số thị trường ở quốc gia khác có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn thịt lợn Việt Nam, song đến nay chúng ta chưa thực hiện được các yêu cầu do phía đối tác đặt ra.

Các chuyên gia chăn nuôi cho rằng, sở dĩ xuất hiện tình trạng nêu trên là do ngành chăn nuôi lợn mới làm tốt khâu tổ chức sản xuất, còn khâu chế biến và thị trường thì vẫn mờ nhạt. Chưa xây dựng được nhiều vùng kiểm dịch an toàn theo các quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Quy trình giết mổ, điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) còn bất cập. Hiện cả nước chỉ có hơn 1.300 cơ sở giết mổ (CSGM) gia súc, gia cầm tập trung; trong đó vẫn còn CSGM chưa có hệ thống bảo quản mát, pha lọc, cấp đông và kho bảo quản lạnh sản phẩm. Chưa kể, trong tổng số 24.655 CSGM gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, chúng ta mới chỉ quản lý được hơn 20%, một số địa phương chưa có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ tại CSGM động vật tập trung…
 
 Thời gian tới, muốn đẩy mạnh xuất khẩu thịt lợn sang các thị trường khác đúng với quy định của OIE, ngoài việc tổ chức sản xuất lại ngành hàng này, cần xây dựng thịt lợn thành sản phẩm quốc gia. Tiếp tục công tác kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị với mã định danh quốc gia cùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các tổ hợp chăn nuôi lợn quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với doanh nghiệp giữ vai trò trọng tâm trong liên kết với hợp tác xã, các hộ chăn nuôi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất theo chuỗi tuần hoàn, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, theo hướng hữu cơ truyền thống. Các doanh nghiệp có nguồn lực cần sản xuất thịt lợn theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, con giống, nuôi thương phẩm, hệ thống dây chuyền giết mổ và pha lóc, hệ thống bảo quản mát, cấp đông, hệ thống kho bảo quản..., không có tồn dư các hóa chất như kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng..., theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, tiếp tục tiến hành xúc tiến thương mại ở cấp bộ, cấp doanh nghiệp sang các nước để quảng bá sản phẩm thịt lợn của Việt Nam. Tăng cường đánh giá, dự báo thị trường gắn với phát triển sản xuất. Xây dựng và sử dụng các công thức lai giống phù hợp từng vùng sản xuất, phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường bảo đảm có số lượng sản phẩm đủ lớn và đồng nhất về chất lượng, đáp ứng cho xuất khẩu... Phấn đấu đến năm 2025 có từ 10 đến 12 chuỗi sản xuất liên kết lớn, tạo ra nhiều thịt sạch, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu sẽ góp phần lớn trong cân đối cung - cầu thịt lợn, từ đó không chỉ doanh nghiệp tăng thêm lợi nhuận mà người nông dân cũng được hưởng lợi nhiều hơn, góp phần đưa ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững.