Dạy bằng tiếng Việt trong trường đại học

Mới đây tôi ngẫu nhiên chứng kiến một buổi dạy và học online của con tôi - sinh viên một trường đại học. Môn học khá thú vị “Các phương pháp cơ bản trong nghiên cứu truyền thông”, gần với chuyên môn nghề nghiệp của mình nên tôi chăm chú lắng nghe. Giáo viên giảng rất hay, nhiều thông tin bổ ích.Tuy nhiên, điều khiến tôi ngạc nhiên là trong lúc giảng bài, cô giáo thường xuyên chêm vào những từ tiếng Anh khá tùy tiện.

Nhiều nhất là khi cô nói về nghiệp vụ: “Cô sẽ dạy các em một số tools (công cụ) giúp làm survey (điều tra) theo một cái list (danh sách)”; “Digital Identity (nhận diện số) của giới trẻ trên facebook”;  “Nên apply (đăng ký tham gia) làm dự án đó, rất hay, sắp hết deadline  (thời hạn cuối) rồi”; “phải quay một cảnh rất là adventurous (mạo hiểm)”; “cái đấy rất là basic (cơ bản) nhé”…

Những từ nghiệp vụ đó, theo tôi, không nhất thiết phải dùng tiếng Anh vì nó dễ dàng dịch sang tiếng Việt. Nhưng điều đáng nói là những câu thông thường không liên quan đến chuyên môn, cô vẫn thường xuyên  “chèn” vào từ bằng tiếng Anh. Nói về tổ chức lớp: “Cô sẽ chọn lớp trưởng theo cách random (ngẫu nhiên) nhé”; “cô sẽ không điểm danh quá nhiều để các em đỡ bị distracted (mất tập trung) đâu”; “cô cần một leader (thủ lĩnh) và hai assistants (trợ lý)”… Nói về trục trặc trên máy tính: “Nút share screen (chia sẻ màn hình) của cô không works (làm việc)”, “sao lại không available (khả dụng) nhỉ”… Hoặc những từ thông thường như “Coffee take away (cà phê mua về nhà)” hoặc “True love (tình yêu đích thực)”… cũng được cô giáo thường xuyên sử dụng.

Có nhiều từ cô nói nhanh quá, tôi không nghe ra, hỏi con tôi, cháu bảo cũng không hiểu rõ, vừa nghe vừa đoán. Tìm hiểu thêm, thì được biết cô giáo tốt nghiệp tiến sĩ một trường đại học danh tiếng ở nước ngoài.

Bài giảng của cô giáo nhìn ở khía cạnh tích cực thì thấy cách diễn đạt khá trẻ trung, sinh động thu hút được giới trẻ. Thế nhưng trong môi trường giáo dục đòi hỏi sự chuẩn mực về ngôn ngữ ở Việt Nam thì lại có vấn đề đáng bàn. Chữ viết và tiếng nói vốn được coi là tài sản vô giá của bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là vấn đề “nóng” hiện nay, thường xuyên được đề cập đến trên nhiều diễn đàn, hội thảo. Trong bối cảnh hội nhập và mở rộng giao lưu quốc tế thì việc gìn giữ ngôn ngữ đồng nghĩa với việc củng cố và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Sự “sính ngoại” hoặc sử dụng tiếng nước ngoài một cách tùy tiện như một thói quen là hành động làm nghèo đi tiếng Việt. Chúng tôi từng có bài viết đề cập đến sự yếu kém tiếng Việt của một bộ phận học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp đại học mà không thể viết nổi một lá đơn xin việc hoàn chỉnh, sai chính tả và diễn đạt khá ngô nghê.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Ðào tạo phát động cuộc thi “Biên soạn sách, tài liệu dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” cũng chính là nỗ lực tôn vinh vẻ đẹp của tiếng Việt, kết nối cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới, quảng bá ngôn ngữ Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Vì vậy, ngay tại Việt Nam, trong môi trường đại học, trừ khi học ngoại ngữ thì việc sử dụng ngôn ngữ “thuần Việt” một trăm phần trăm khi truyền đạt kiến thức, giao lưu, ứng xử là rất cần thiết, nên là yêu cầu bắt buộc với giáo viên và học sinh. Vấn đề tưởng như là đương nhiên này, hóa ra vẫn có nhiều lỗ hổng mà các tổ chức giáo dục cần lưu ý khắc phục.