Cú huých về đổi mới đào tạo y khoa

Để có nguồn nhân lực tốt, công tác đào tạo đóng vai trò quyết định. Thế nhưng mô hình đào tạo nhân lực y tế (chủ yếu là trình độ bác sĩ) đang áp dụng ở nước ta bộc lộ nhiều bất cập, vừa không bảo đảm có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, vừa không phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Chương trình đào tạo hầu hết chưa được điều chỉnh, chủ yếu vẫn nặng về kiến thức lý thuyết, chưa chú trọng đúng mức đến tạo ra năng lực cần thiết cho người học... Trong khi đó, nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là rất lớn.

Việc đổi mới đào tạo không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai mà cần một quá trình và nhiều khâu, trong đó, quan trọng nhất là lựa chọn mô hình và cách thức tổ chức, triển khai phù hợp. Mô hình đào tạo nhân lực y khoa được "định hình" theo hướng tiệm cận mô hình nhiều nước đang triển khai, đó là phân biệt rạch ròi giữa đào tạo theo hướng hàn lâm (thạc sĩ, tiến sĩ) và thực hành (bác sĩ nội trú, chuyên khoa). Cú huých trong thực hiện đổi mới toàn diện công tác đào tạo nguồn nhân lực y khoa được xác định tại Quyết định 956/QÐ-TTg, khi Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia; mới đây là quyết định 1595/QÐ-TTg bổ nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia.

Các cơ sở y tế hy vọng Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ sớm chính thức vận hành, hoạt động để thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; tham gia giám sát, đánh giá việc tuân thủ chuẩn năng lực nghề nghiệp của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về y tế và theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; xây dựng và thử nghiệm Bộ ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực hành nghề; xây dựng tiêu chuẩn của cơ sở tổ chức đánh giá năng lực hành nghề; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về đánh giá năng lực hành nghề...

ÁNG chú ý, ngành y cũng đã xác định lấy việc thi cấp chứng chỉ hành nghề là khâu đột phá để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các bác sĩ tốt nghiệp các trường khác nhau đều được hành nghề như nhau khi vượt qua kỳ thi và được cấp chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ hành nghề cũng sẽ là căn cứ để các bệnh viện tuyển chọn nhân lực. Do vậy, chính các cơ sở đào tạo phải tham gia tích cực vào quá trình đổi mới cũng như triển khai các giải pháp đổi mới chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng "sản phẩm đầu ra"... Với việc thực hiện đổi mới toàn diện trong đào tạo nhân lực, chúng ta tin tưởng trong tương lai ngành y tế sẽ có đội ngũ thầy thuốc được đánh giá chung là giỏi về chuyên môn, có trình độ ngang bằng các nước trong khu vực và trên thế giới.