Cú huých quan trọng cho xuất khẩu

Ngày 1-8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, sẽ là cú huých quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới này. Thực tế, EU đã là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong suốt nhiều năm qua với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. Đáng chú ý, điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung lẫn nhau rất lớn, ít mang tính cạnh tranh do thế mạnh và đặc tính hàng hóa xuất khẩu của hai bên khác nhau. Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may, thủy sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác... sang EU và ngược lại nhập khẩu các mặt hàng sản phẩm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dược phẩm; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hóa chất;... 

Trước EVFTA, EU dành cho Việt Nam thuế nhập khẩu ưu đãi theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, EVFTA có quy định về mối quan hệ giữa thuế suất theo hiệp định này và thuế suất trong Chương trình GSP mà EU đang dành cho Việt Nam. Cụ thể, EVFTA quy định thuế suất ưu đãi của EU trong bất kỳ trường hợp nào không được cao hơn mức thuế mà EU áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam trước ngày EVFTA có hiệu lực. Đồng thời, từ thời điểm EVFTA có hiệu lực thực thi, gần như toàn bộ 100% biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là bảy năm). Như vậy, trong vòng bảy năm đầu tiên, hàng hóa từ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi nhất, sau đó, thuế suất thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam về cơ bản sẽ đưa về 0%. Có thể nói, cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho nước ta trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. 

Vừa qua, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, thương mại của Việt Nam. Tính đến hết tháng 6, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước giảm 2,1% so cùng kỳ. Trong bối cảnh đó, EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp trong nước phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 500 triệu dân với GDP bình quân hơn 35 nghìn USD và mức thuế bằng 0 ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để hiện thực hóa các cơ hội, Chính phủ và các doanh nghiệp còn khá nhiều việc phải chuẩn bị. Các bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ nội dung về Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.