Cơ hội nâng cao uy tín của các ngân hàng

Theo tiêu chuẩn mà nhà điều hành đặt ra đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, kể từ 1-1-2020, các NHTM sẽ phải chính thức áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II. Ðến nay, đã có chín ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công nhận đáp ứng chuẩn này là Vietcombank, VIB, OCB, ACB, MB, TPBank, VPBank, Techcombank, MSB.

Basel II là một bộ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ bao gồm việc lượng hóa rủi ro thông qua các chỉ số và mô hình mà còn bao gồm việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro, hoàn thiện các chính sách rủi ro, nâng cao văn hóa rủi ro và tăng cường tính minh bạch của thị trường. Việc triển khai Basel II được đánh giá sẽ giúp các NHTM nâng cao uy tín, đồng thời cũng là cơ hội để NHNN tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tăng trưởng tín dụng cũng như mở rộng mạng lưới. Thực tế, tăng trưởng tín dụng đang được xem như một nút thắt trong mục tiêu phát triển và gia tăng lợi nhuận với nhiều ngân hàng hiện nay. Do vậy, hầu hết các NHTM đều coi Basel II như một mục tiêu phấn đấu của mình.

Tuy nhiên, với diễn biến thực tế hiện nay, không phải ngân hàng nào cũng có thể hoàn thành mục tiêu khi chẳng còn mấy thời gian nữa là bước sang năm 2020, nhưng nhiều rào cản để ngân hàng có thể tiệm cận các tiêu chuẩn của Basel II vẫn còn giăng mắc. Trong đó, khó khăn nhất đối với các NHTM Việt Nam hiện nay là việc bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II.

Những năm gần đây, để tăng vốn tự có, nhiều ngân hàng đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có, hoặc tăng vốn điều lệ theo hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu,... Nhưng việc tăng vốn trong điều kiện thị trường chứng khoán hiện nay cũng không hề dễ dàng. Theo một phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tỷ lệ thành công của các đợt phát hành trái phiếu thời gian qua không cao, chỉ khoảng 50 đến 60%. Trong khi trường hợp ngân hàng có thể bán vốn cho nhà đầu tư ngoại cũng là cả một câu chuyện không đơn giản. Ngoài ra, để đáp ứng CAR đòi hỏi ngân hàng phải điều chỉnh, cơ cấu lại danh mục cấp tín dụng, nhất là trong bối cảnh NHNN Việt Nam ngày càng nâng hệ số rủi ro trong cho vay kinh doanh bất động sản - đây vốn được coi là "mảnh đất màu mỡ" tạo lợi nhuận cho ngân hàng. Bên cạnh vấn đề tăng vốn, các NHTM còn vấp phải một số khó khăn khác khi triển khai Basel II đó là: chất lượng nguồn dữ liệu, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, hạ tầng công nghệ, công tác đào tạo,...

Tóm lại, việc triển khai Basel II vẫn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với các NHTM, nhất là trong ngắn hạn. Ðiều này đòi hỏi bản thân các NHTM cần có những đổi mới và nâng cao năng lực quản trị rủi ro, quản lý nguồn vốn hiệu quả. Ở khối NHTM nhà nước, Chính phủ cũng cần sớm đưa ra những giải pháp tăng vốn cụ thể để bảo đảm theo chuẩn Basel II. Nhưng dù khó khăn, đây cũng là giải pháp tối ưu giúp các NHTM tăng năng lực, hoạt động an toàn, lành mạnh, quản lý nguồn vốn một cách hiệu quả hơn và có thể trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính.