Cơ hội cho ngành sữa

Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Ngay tại buổi lễ, Công ty cổ phần sữa TH đã tiến hành ký hợp đồng xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên với đối tác Trung Quốc gồm hai nhóm sản phẩm sữa là sữa tiệt trùng và sữa bổ sung hương liệu tự nhiên - Sterilized milk và Modified milk.

Như vậy chỉ sau hơn sáu tháng, kể từ khi ký kết Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sản phẩm sữa từ Việt Nam đã chính thức “bước chân” vào thị trường 1,4 tỷ dân.

Sữa là ngành hàng xuất khẩu có những điều kiện khắt khe. Để thị trường đông dân nhất thế giới chấp nhận sản phẩm sữa Việt Nam, một mặt các doanh nghiệp ngành sữa nói chung và Công ty cổ phần sữa TH nói riêng khẩn trương triển khai các nội dung của Nghị định thư. Mặt khác, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư xây dựng được các mô hình trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất và quản trị, bảo đảm khép kín quy trình sản xuất từ đồng cỏ tới ly sữa sạch, sao cho các sản phẩm sữa xuất khẩu sang Trung Quốc là các loại thực phẩm được chế biến với nguyên liệu chính là sữa bò đã được xử lý nhiệt, bao gồm các loại sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa pha chế, sữa đặc, sữa bột, sữa công thức cho trẻ em... đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn, quy định khắt khe về thú y và sức khỏe cộng đồng của thị trường.

Tuy nhiên, với tổng đàn bò sữa cả nước hiện có khoảng 330 nghìn con, trong đó số lượng bò khai thác sữa chỉ chiếm từ 47 đến 52% tổng đàn, cho nên sản lượng và tiêu thụ sữa của Việt Nam so với thế giới còn rất thấp, bình quân khoảng 20 lít/người/năm, trong khi thế giới là 80 lít/người/năm. Do đó, để vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước vừa mở rộng cơ hội xuất khẩu, trước mắt là mục tiêu năm 2020, xuất khẩu sữa sang Trung Quốc sẽ tăng từ 120 triệu USD lên 300 triệu USD, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với chức năng quản lý nhà nước cần chỉ đạo ngành chăn nuôi phối hợp các địa phương, doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi bò sữa tăng cường đầu tư, phát triển đàn bò sữa, chuyển đổi nhanh theo hướng trang trại, hộ lớn và chuyên nghiệp, nhất là các vùng truyền thống và vùng có khả năng đầu tư công nghệ cao. Đồng thời ưu tiên phát triển tại các tỉnh miền núi phía bắc vốn có nhiều lợi thế về đồng cỏ tự nhiên và thói quen chăn nuôi gia súc, nhưng hiện đàn bò sữa và sản lượng sữa mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng đàn bò sữa cả nước.

Để tăng lợi nhuận, hạ giá thành cho người chăn nuôi và phù hợp định hướng phát triển chăn nuôi gia trại, các địa phương cần chủ động thu hẹp chăn nuôi bò sữa nông hộ quy mô nhỏ dưới năm con, thay vào đó là mô hình chăn nuôi gia trại quy mô từ 10 con trở lên. Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa cần tham gia cùng địa phương xây dựng quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu và chăn nuôi bò sữa theo hướng trang trại quy mô lớn, công nghiệp, năng suất cao, với quy mô ban đầu từ 500 đến 1.500 con/ trang trại; tổ chức sản xuất hàng hóa thành chuỗi khép kín với công nghệ hiện đại, từ chăn nuôi bò sữa, đến chế biến, tiêu thụ sữa; đáp ứng các quy định về giám sát, quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch sản phẩm sữa xuất nhập khẩu không chỉ đối với thị trường Trung Quốc mà cả với nhiều thị trường tiềm năng khác, như: Nhật Bản, Canada, Australia, Mỹ, Thái-lan...