Chuyển hướng du lịch "tại chỗ"

Những người đã đặt tua du lịch vào kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 và dịp đầu hè đang thắc thỏm không yên bởi nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và bùng phát ở nước ta rất cao, nhất là tại các tỉnh biên giới Tây Nam. Thực hiện Công điện số 541/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23-4-2021 về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, nhiều sự kiện tập trung đông người tại nhiều tỉnh, thành phố đã bị hủy. Chính quyền TP Hà Nội đã nâng mức cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng rất lo lắng, bởi mùa hè là mùa du lịch nhưng nguy cơ một mùa du lịch thất bát đang dần hiển hiện.

Có thể nói, việc nhiều nước trên thế giới triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng và việc Việt Nam khống chế tốt dịch Covid-19 là cơ sở để người dân có thể lấy lại niềm vui du lịch sau một thời gian bị "kìm nén", đồng thời, cũng là cơ hội để khôi phục ngành kinh tế du lịch. Do đó, các địa phương, các hãng lữ hành, vận chuyển, lưu trú đều tung ra các chương trình kích cầu du lịch trong dịp này. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, đây là đợt kích cầu thứ ba. Trong hai đợt kích cầu du lịch trước đây, cứ sau mỗi đợt cao điểm mọi người đổ xô đi du lịch thì dịch bệnh xuất hiện. Nhu cầu du lịch sau đó lại giảm, có thời điểm gần như "đóng băng". Và thêm lần nữa, kịch bản đó có thể lặp lại.

Trong bối cảnh cả nước phải vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ngành du lịch tập trung khai thác thị trường nội địa là bước chuyển hướng đúng, nhưng chưa đủ. Nhìn chung, trong suốt diễn biến của dịch bệnh từ đầu năm 2020 đến nay, luôn có những khu vực nguy cơ lây nhiễm bệnh cao và những khu vực nguy cơ lây nhiễm bệnh thấp. Mặt khác, người dân càng di chuyển trên quãng đường dài, càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm, khó truy vết nếu có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Vì thế, để thực hiện nhiệm vụ kép, ngành du lịch cũng như các địa phương nên vận động người dân "du lịch tại chỗ". Tức là, nên du lịch tại địa phương, hoặc du lịch đến các tỉnh lân cận, những nơi có ít nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Hiện nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước "đón đầu" xu thế này, bằng việc xây dựng các tua khuyến khích "Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội". Những tua điển hình có thể kể đến như: Khám phá kiến trúc Đông Dương, Khám phá làng cổ Đường Lâm, du lịch sinh thái ở vùng núi Ba Vì… Các tua được thiết kế để tạo ra ấn tượng mới ngay với những người dân đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội. Khách du lịch di chuyển quãng đường không quá dài; địa bàn Hà Nội không chịu áp lực quá cao về nguy cơ lây bệnh, cho nên người dân sẽ yên tâm hơn khi tham gia. Hiện nay, tại các tỉnh biên giới Tây Nam, dịch bệnh đang có nguy cơ xâm nhập rất cao. Chúng ta đề cao cảnh giác, nhưng không vì thế mà "đóng băng" du lịch cả nước. Giải pháp "du lịch tại chỗ" của Hà Nội là bài học để nhiều địa phương khác có thể tham khảo, triển khai.