Chủ động ứng phó dịch cúm gia cầm

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm  đến nay, tổng cộng đã có 67 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) xảy ra tại 67 xã thuộc 45 huyện của 24 tỉnh, thành phố; số ổ dịch tăng gấp hai lần, số gia cầm buộc tiêu hủy tăng gấp ba lần. Kết quả chủ động lấy mẫu giám sát cho thấy tỷ lệ lưu hành vi-rút cúm A/H5N1 và A/H5N6 rất cao, có nơi hơn 13% (trong 100 mẫu gia cầm xét nghiệm có 13 mẫu dương tính với vi-rút cúm). Hiện nước ta chưa phát hiện vi-rút cúm A/H7N9. Tuy nhiên, nguy  cơ  vi-rút cúm A/H7N9 và các vi-rút CGC khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm khá cao. Thời gian tới, rất có thể dịch CGC sẽ lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng bởi tổng đàn gia cầm hiện nay rất lớn (đạt gần 500 triệu con), mật độ chăn nuôi cao; việc vận chuyển gia cầm giữa các địa phương tăng mạnh do phục vụ nhu cầu dịp cuối năm. Tỷ lệ gia cầm được tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm đạt thấp, nhất là đối với đàn gia cầm nhỏ lẻ tại các hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, mưa nhiều, chuyển lạnh tại các tỉnh phía bắc, tạo điều kiện để vi-rút CGC sinh sôi; tình trạng giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến…

Để ứng phó kịp thời dịch CGC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công điện số 6153/CĐ-BNN-TY, yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch CGC theo quy định của Luật Thú y và Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh CGC, giai đoạn 2019 - 2025”. Đối với một số địa phương  có ổ dịch CGC chưa qua 21 ngày cần tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, không để dịch tái phát, lây lan diện rộng. Rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin CGC phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ ít nhất hơn 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng; thường xuyên rà soát, tiêm vắc-xin bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Chủ động triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm CGC để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi-rút CGC A/H5N1 và A/H5N6. Các địa phương cần tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn quản lý, nhất là đối với trường hợp vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam… 

Các chuyên gia chăn nuôi - thú y khuyến cáo, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra các bãi rác, kênh mương, kịp thời xử lý xác gia cầm chết trôi nổi, không rõ nguồn gốc (nếu có). Sớm phát hiện dịch bệnh trên đàn gia cầm, có biện pháp ngăn chặn không để lây lan trên diện rộng. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi; tổ chức các lớp tập huấn để người dân chủ động phòng, chống dịch CGC ngay từ chuồng nuôi. Các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi liên kết. Người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm gia cầm nên mua từ các cửa hàng uy tín, cơ sở giết mổ đã được cơ quan chuyên môn kiểm tra.