Chủ động né hạn, mặn cho vụ đông xuân

Những năm gần đây, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trở nên nghiêm trọng đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mùa khô năm 2016, hạn hán, xâm nhập mặn khiến hơn 100 nghìn ha lúa ở các địa phương ven biển vùng ĐBSCL bị thiệt hại nặng.

Sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt năm 2016, các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL đã được đầu tư nâng cấp, tu bổ mới hệ thống công trình thủy lợi và nạo vét kênh nội đồng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng in ấn các tài liệu hướng dẫn nông dân sử dụng tiết kiệm nước cho cây lúa, cây ăn quả nhằm ứng phó hạn, mặn.

Theo dự báo, mùa khô năm 2019-2020 ở ĐBSCL dòng chảy thiếu hụt, lượng mưa ít cho nên hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và nặng hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 12, xâm nhập mặn ảnh hưởng tới việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi cách biển từ 30 đến 35 km; từ tháng 1 đến tháng 2-2020, ranh mặn lấn sâu vào nội địa vùng các cửa sông Cửu Long từ 45 đến 55 km.

Để chủ động né hạn, mặn, một số địa phương đang xuống giống sớm, chủ động trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô năm nay. Trong điều kiện bình thường, ĐBSCL gieo cấy gần 1,7 triệu ha lúa đông xuân. Tuy nhiên, vụ đông xuân 2019-2020, diện tích canh tác dự kiến còn khoảng 1,63 đến 1,67 triệu ha, giảm từ 15 đến 55 nghìn ha để chủ động thích ứng và giảm thiệt hại nếu hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp.

Nhằm ứng phó hạn, mặn, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra cảnh báo đối với các địa phương trong khu vực và khuyến cáo kết thúc thu hoạch sớm vụ thu đông để triển khai xuống giống cũng như thu hoạch sớm vụ đông xuân 2019-2020. Trong đó, các địa phương vùng ven biển có nguy cơ hạn hán ở cuối vụ như: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… cần xuống giống sớm, từ ngày 10 đến 30-10 với diện tích khoảng 400 nghìn ha.

Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục tăng cường quan trắc nhằm bổ sung các số liệu dòng chảy, số liệu mặn làm cơ sở cho việc dự báo, cảnh báo tại các tỉnh, thành phố ven biển khu vực ĐBSCL. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn để có biện pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn; kiểm tra, đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi, tính toán cân bằng nước làm cơ sở để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Các bộ, ngành liên quan cần chỉ đạo vận hành hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông, ưu tiên sử dụng nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp trong trường hợp hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn. Các địa phương tăng cường nạo vét kênh, rạch, đắp đập tạm, lắp đặt trạm bơm dã chiến, tranh thủ vận hành công trình thủy lợi lấy nước, trữ nước để sử dụng khi xâm nhập mặn lên cao, nguồn nước bị thiếu hụt.