Chặn hàng giả trên sàn thương mại điện tử

Trong vài năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của các website thương mại điện tử (TMÐT) đã đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng (NTD). Một phương thức kinh doanh mới, phù hợp với cuộc sống hiện đại, đưa sự thuận lợi trong mua sắm đến với NTD khi không phải đến tận nơi giao dịch giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Theo Sách trắng TMÐT 2020, năm 2019, số người Việt Nam tham gia mua sắm online đã cán mốc 44,8 triệu người, so với 30,3 triệu người năm 2015. Doanh thu bán lẻ TMÐT năm 2019 đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 2,5 lần so mức 4 tỷ USD năm 2015, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự đoán tốc độ tăng trưởng của TMÐT Việt Nam năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô sẽ vượt 15 tỷ USD và Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển TMÐT, với tốc độ tăng trưởng thuộc tốp 3 trong khu vực Ðông - Nam Á.

Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của các sàn TMÐT hiện nay chỉ nắm giữ khâu trung gian, bất cứ đơn vị bán hàng nào cũng có thể thuê tài nguyên, không gian online để kinh doanh. Hoạt động trao đổi, mua bán không thực hiện trực tiếp, dẫn đến chất lượng sản phẩm đôi khi không bảo đảm, nhiều mặt hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được bán một cách công khai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, làm suy giảm niềm tin của NTD. Những đối tượng lợi dụng TMÐT để buôn bán hàng giả, hàng lậu thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin cho nên lợi dụng để lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng in-tơ-nét, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc xác minh thông tin, chứng cứ vi phạm để kịp thời xử lý. Chưa kể, các cơ quan quản lý chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng và đa dạng, phong phú của TMÐT, từ đó tạo ra những kẽ hở để gian thương lợi dụng, vì thế khó bảo đảm bình đẳng giữa người mua và người bán. Mặc dù thời gian vừa qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động TMÐT vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Chỉ tính riêng trong chín tháng năm 2020, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra hơn 2.400 vụ việc, xử lý hơn  2.200 vụ việc vi phạm, xử phạt hơn 16 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 41 tỷ đồng liên quan hành vi vi phạm về TMÐT và các hành vi lợi dụng TMÐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.

Vì vậy, nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng TMÐT để kinh doanh hàng lậu, giả, kém chất lượng, cơ quan quản lý cần sớm sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật liên quan để theo kịp sự phát triển của công nghệ. Lực lượng chức năng cần xử lý mạnh tay hơn, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, yêu cầu chủ sở hữu các website TMÐT có trách nhiệm kiểm soát, sàng lọc thông tin, ràng buộc những giao dịch từ người bán nhằm tăng cường phối hợp, quản lý giám sát người bán, bảo đảm tốt nhất về chất lượng sản phẩm và quyền lợi cho NTD.