Cẩn trọng trong quảng bá nghệ thuật

Vào thời điểm các rạp chiếu phim vừa mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 này, bộ phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" của đạo diễn Ðinh Tuấn Vũ đang chiếu ở hầu hết các cụm rạp trên toàn quốc đã thu hút nhiều chú ý, bình luận của khán giả. Bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Xuân Thiều về đề tài chiến tranh cách mạng, từng giành "cú đúp" giải thưởng: Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 và Cánh diều bạc năm 2019 của Hội Ðiện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, khâu quảng bá tác phẩm này lại đang bộc lộ một số bất cập, hạn chế.

Trên mạng xã hội Facebook, fanpage mang tên "Truyền thuyết về Quán Tiên" có hơn 10.000 lượt theo dõi, được cập nhật liên tục nhưng không ít nội dung đăng tải về bộ phim chỉ tập trung "câu view" bằng hình ảnh các cảnh "nóng", tình tiết gay cấn gây tò mò, tranh luận về ngoại hình diễn viên… khiến khán giả tiếp cận sai tinh thần tác phẩm. Thiết nghĩ, nếu fanpage do ê-kíp làm phim quản lý thì cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, tránh đưa các nội dung "nhạy cảm". Ngược lại, nếu họ không liên quan tới trang này, cần phản hồi chính thức, tránh để khán giả nhìn nhận sai lệch về tác phẩm điện ảnh. Bên cạnh đó, hiện tại, ngay cả các rạp chiếu phim cũng đang không thống nhất trong thông tin giới thiệu, hầu hết đều gọi sai thể loại phim. Những cụm từ gây tò mò cho khán giả, như: bí ẩn, kinh dị, ly kỳ, phiêu lưu… được các rạp tùy tiện gắn vào phần thể loại cho phim "Truyền thuyết về Quán Tiên", đăng tải công khai khắp các phương tiện quảng cáo, giới thiệu. Hiện tượng nêu trên khiến nhiều khán giả có cảm giác mình "bị lừa" vì thông tin quảng bá một đằng còn ra rạp xem phim, nội dung lại một nẻo. Ðây là những "hạt sạn" khá quen thuộc của điện ảnh Việt Nam. Trước đó, một số phim chất lượng như "Áo lụa Hà Ðông", "Cánh đồng bất tận" cũng bị giật tít, "câu view" bằng cảnh "nóng", tình tiết phụ thu hút tò mò hoặc gọi sai tên thể loại.

Không chỉ riêng điện ảnh, những năm gần đây, môi trường nghệ thuật nói chung đều bị lôi cuốn vào xu thế lạm dụng những chiêu trò phản cảm trong hoạt động truyền thông, quảng bá. Phía sau nhiều bộ phim, vi-đê-ô ca nhạc (MV) "triệu view" là những cách thức đánh bóng tên tuổi, hình ảnh cá nhân bằng cách cố ý đưa thông tin sai lệch, giật gân về đời tư, phát ngôn gây sốc, trang phục hở hang... Chưa kể, nhiều tờ báo thị trường, báo mạng cũng tham gia vào cuộc chạy đua thông tin, nối tiếp nhau đăng tải nội dung phản cảm chỉ nhằm mục đích thu hút lượt đọc. Hiện tượng này tác động tiêu cực tới văn hóa, nhận thức của một bộ phận công chúng, nhất là giới trẻ; tạo nên tiền lệ xấu và cách nhìn nhận méo mó, phiến diện trong đời sống nghệ thuật.

Với văn hóa nghệ thuật, ngoài giá trị cốt lõi về nội dung, nếu thiếu sự cẩn trọng, kiểm soát ở các khâu như phát hành, quảng bá thì hậu quả rất khó lường. Không ít trường hợp phim ảnh, MV sai phạm liên quan quảng bá, phát hành từng bị xử lý theo quy định của pháp luật. Dù mức phạt như thế nào thì để xảy ra tình trạng này chính người làm nghề cũng phần nào đã tự đánh mất uy tín, danh dự. Ðây cũng là câu chuyện mà đội ngũ làm nghệ thuật hiện nay cần hết sức quan tâm để tác phẩm vừa chinh phục được công chúng lại vừa bảo đảm giá trị lành mạnh, tính minh bạch đối với nghề nghiệp.