Cẩn trọng khi mở lại đường bay quốc tế

Từ cuối tháng 7 vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại TP Đà Nẵng - thị trường trọng điểm của du lịch và hàng không nội địa - sau đó tiếp tục lan ra một số nơi khác, đã tác động nghiêm trọng đến tâm lý toàn xã hội. Nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không giảm đột ngột.

Cẩn trọng khi mở lại đường bay quốc tế

Ngay từ đợt dịch đầu tiên, mặc dù các hãng hàng không đã triển khai mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí từ 50% đến 70% so cùng kỳ năm trước; đàm phán với các đối tác để giãn nợ, giảm lãi vay; chuyển nhượng tài sản, bán bớt tàu bay; giảm lương nhân viên, giảm giá vé,... nhưng do tác động quá lớn của đại dịch, các hãng đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng. Theo ước tính, riêng trong năm nay, các hãng hàng không Việt Nam thiệt hại lên tới hơn bốn tỷ USD. Trước tình cảnh này, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25 đến 27 nghìn tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn ba đến bốn năm; cho phép miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021; giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không,... Đáng chú ý, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng cho phép mở lại đường bay quốc tế đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19, nghiên cứu ban hành những chuẩn mực về quy trình bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không. Qua đó, cho phép khách du lịch nhập cảnh nếu họ đáp ứng được những yêu cầu phòng, chống dịch và cho phép các chuyên gia sang Việt Nam công tác, giảng dạy từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới.

Có thể thấy, mở lại đường bay quốc tế là “liều thuốc” hiệu quả nhất để tiếp sức cho ngành hàng không và du lịch, góp phần vực dậy nền kinh tế. Mở lại đường bay quốc tế không chỉ có ý nghĩa tích cực về kỳ vọng khôi phục ngành hàng không, mà còn mang lại doanh thu, tạo dòng tiền cho các hãng trong bối cảnh đang bị suy kiệt hiện nay. Một số nước đã đồng thuận mở đường bay đến Việt Nam, thống nhất yêu cầu hành khách nhập cảnh phải xét nghiệm và cách ly. Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, hoàn thiện phương án mở lại đường bay quốc tế xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Chính phủ đã có chủ trương xem xét mở lại một số đường bay quốc tế đến các nước đã khống chế được dịch nhưng trên thực tế không hề đơn giản. Chỉ cần một sơ sẩy nhỏ dẫn đến “nhập dịch” hoặc “chuyển dịch” sang các nước khác sẽ kéo theo tác động rất lớn. Dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các nước cũng khiến tâm lý người dân lo ngại, không muốn đi du lịch, khiến doanh thu và hiệu quả khai thác hàng không được dự báo thấp, khó đạt như kỳ vọng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, mở lại đường bay quốc tế trong hoàn cảnh hiện nay là cần thiết, bởi nguyên tắc sống còn đối với bất cứ quốc gia nào là kiểm soát dịch bệnh nhưng luôn đi kèm với khôi phục từng bước hoạt động kinh tế. Các bộ, ngành liên quan cần phối hợp xây dựng phương án cụ thể, chi tiết trong việc khai thác lại đường bay quốc tế nhằm bảo đảm việc kiểm soát dịch được thực hiện nghiêm ngặt, đem lại hiệu quả cao nhất. Thời gian đầu, các cơ quan quản lý cần có sự thận trọng cần thiết, chỉ nên mở thí điểm một đến hai đường bay quốc tế để nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện. Đây cũng là lúc kiểm nghiệm năng lực tiếp nhận các cơ sở cách ly cũng như ngành y tế trong nước, liệu có đủ đáp ứng khi mở cửa đón khách quốc tế vào hay không. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch sẽ quyết định thời điểm mở đường bay quốc tế và đưa ra quy định như thu phí cách ly, quy trình kiểm soát dịch với khách du lịch.