Cần những chính sách ưu đãi cụ thể, thiết thực

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, những chính sách ưu đãi nói chung và chính sách ưu đãi nhằm phát triển kinh tế, đầu tư luôn được dư luận quốc tế và trong nước quan tâm. Từ nhiều năm qua, Việt Nam đề ra rất nhiều chính sách ưu đãi khác nhau nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống dân sinh. Nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả tích cực và rõ nét.

Gần đây nhất, khi dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khó khăn, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với rất nhiều doanh nghiệp. Đây là một quyết định quan trọng, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, kinh doanh, góp phần đạt mục tiêu cao nhất có thể về tăng trưởng kinh tế của năm 2020. Cùng với đó, QH đã thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025, qua đó giúp nền nông nghiệp nước nhà, giúp người nông dân vượt khó. Đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã và đang mở rộng hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi.

Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, như: tính minh bạch chưa được chú trọng; có những chính sách, quy định chồng chéo, không thống nhất giữa các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi đối với thu nhập doanh nghiệp làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý, dễ tạo “lỗ hổng” cho một số doanh nghiệp lợi dụng giảm thuế phải nộp gây tình trạng mất công bằng. Có những chính sách ưu đãi không ổn định, thay đổi thường xuyên cho nên doanh nghiệp không tự tính trước được hiệu quả kinh doanh trung và dài hạn, là nguyên nhân khiến thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài chưa đạt kỳ vọng.

Tại diễn đàn QH, khi đề cập về chính sách ưu đãi nói chung, các đại biểu QH luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định, minh bạch, cụ thể hóa, tránh chồng chéo trong các quy định pháp luật. Chính sách hỗ trợ cần giúp cho các đối tượng thụ hưởng tạo ra chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng khó khăn, các vùng kinh tế có tác động lan tỏa cao.

Khi đất nước bước vào trạng thái bình thường mới, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể các chính sách ưu đãi hiện hành. Trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất kịp thời, chính xác những nội dung cần điều chỉnh, sửa đổi phù hợp và bãi bỏ những quy định đã lạc hậu. Làm tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần quan trọng bảo đảm hiệu quả của ngân sách nhà nước và đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ thực tiễn. Một trong những yêu cầu đó là hạn chế những dự án được hưởng thời gian ưu đãi quá dài, bất hợp lý, làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách. Chính sách ưu đãi cần hướng về những đối tượng có chọn lọc, gắn với các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và QH trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính sách ưu đãi phải hướng vào những nội dung, lĩnh vực có khả năng tạo ra sự thúc đẩy cụ thể cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đổi mới, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, tập trung vào các ngành, nghề mà Việt Nam có thể phát huy lợi thế so sánh, có dư địa để phát triển. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng: hấp dẫn, minh bạch, dễ tiếp cận, bình đẳng... Đây được coi là những nội dung quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội đất nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong quá trình nghiên cứu, rà soát, xây dựng các chính sách ưu đãi, cần chú trọng sự công minh, công bằng, tinh thần trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước, loại bỏ hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích riêng tư.