Cần đúng luật khi thu hồi nợ

Trong khi thông tin về khách hàng của một công ty tài chính tự tử, nghi do mất khả năng trả nợ và bị bên cho vay liên tục khủng bố đòi nợ, chưa kịp lắng xuống thì gần đây, dư luận lại xôn xao trước việc một doanh nghiệp "tố" ngân hàng thu hồi nợ kiểu "xã hội đen".

Cụ thể, khách hàng đó cho rằng, các nhân viên của ngân hàng đã "dàn cảnh" để đe dọa, ép khách hàng phải bàn giao tài sản (tài sản bảo đảm là một xe ô-tô) sai quy định. Trong khi đó, phía ngân hàng giải thích lý do họ thu hồi tài sản là do khách hàng chậm trả nợ kỳ 3 (85 ngày)… Chưa bàn đến việc đúng - sai đối với hành vi nêu trên, điều đáng nói là hình thức thu hồi tài sản kiểu đe dọa, cưỡng chế như thế này bị người dân, doanh nghiệp lên tiếng tố cáo không chỉ một lần. Trước đó vào cuối năm 2019, một khách hàng cũng của ngân hàng nêu trên làm đơn tố cáo về hành động tương tự. Ðiều đó cho thấy, cách hành xử trong việc xử lý, thu hồi nợ của một số tổ chức tín dụng, công ty tài chính còn bất cập.

Nguy cơ nợ xấu tăng cao trong năm nay là điều đã được nhiều chuyên gia, tổ chức kinh tế dự báo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa đưa ra con số ước tính: Nợ xấu có đến khoảng 2,27 triệu tỷ đồng, tương đương 25% tổng dư nợ toàn hệ thống, được đánh giá là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tiềm ẩn rủi ro đến hoạt động ngân hàng. Dịch Covid-19 đã làm không ít doanh nghiệp lao đao, nhiều người mất hoàn toàn tiền lương, không ít người giảm hơn một nửa thu nhập. Ðiều này kéo theo khả năng trả nợ của nhiều khách hàng rất khó khăn. Hệ quả là chính phía ngân hàng cũng trực tiếp bị ảnh hưởng.

Nợ xấu toàn ngành gia tăng ảnh hưởng việc kiểm soát nợ xấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Do vậy, dễ lý giải vì sao các ngân hàng lại phải kiểm soát các khoản vay một cách chặt chẽ. Việc nhắc nợ khách hàng là một nghiệp vụ bình thường của ngân hàng. Càng trong những thời điểm nguy cơ nợ xấu tăng cao thì nhân viên ngân hàng càng phải đôn đốc, sát sao hơn. Song không thể vì áp lực đòi nợ mà một số nhân viên thu nợ không giữ được bình tĩnh, liên tục nhắn tin, thậm chí tổ chức "siết" nợ kiểu "xã hội đen", gây bức xúc cho khách hàng và tạo dư luận không tốt.

Hành xử để làm sao ngân hàng vừa bảo đảm được tiến độ thu hồi nợ mà vẫn thể hiện được sự tôn trọng, quan tâm tới khách hàng, cần phải được các ngân hàng chú ý hơn. Trong bối cảnh hiện nay, không riêng ngành ngân hàng mà cả nước đang cùng chung tay để giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng trong thời gian qua đã được Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao khi NHNN là một trong những đơn vị vào cuộc sớm nhất hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch. Ngành ngân hàng sớm chủ động ban hành chính sách cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vì giai đoạn này nguồn thu của doanh nghiệp và người dân thấp.

Để không đi ngược với chủ trương của Chính phủ và NHNN, mỗi tổ chức tín dụng cần thể hiện sự thiện chí, đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp qua hành động cụ thể. Các công ty tài chính, tổ chức tín dụng cần gia hạn thời gian trả nợ cho người vay đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Người đi vay cần chủ động thông báo cho các tổ chức tín dụng, công ty tài chính về tình hình thu nhập, tài chính của mình để xin ân hạn khoản vay. Trong trường hợp ngân hàng buộc phải xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ thì cũng phải theo đúng trình tự pháp luật. Tuyệt đối không hành xử thu nợ theo kiểu "xã hội đen", đe dọa, o ép khách hàng,… Theo quy định pháp luật hiện hành thì ngân hàng, cán bộ ngân hàng không có chức năng thi hành án. Việc cưỡng chế kê biên tài sản chỉ được cơ quan thi hành án thực hiện sau khi đã có bản án có hiệu lực của pháp luật.