Cải thiện về pháp lý, giảm rủi ro cho lao động di cư

Trong khu vực ASEAN, lao động di cư (LÐDC) nổi lên như nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế. LÐDC ở nước ta đã trở thành một phần trong nền kinh tế với những đóng góp không chỉ cho kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo, mà còn góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình di cư, người lao động (NLÐ) gặp phải nhiều rủi ro.

Lao động Việt Nam được kiểm tra sức khỏe trước khi sang nước ngoài. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Lao động Việt Nam được kiểm tra sức khỏe trước khi sang nước ngoài. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Những bất cập trong quản lý làm tăng chi phí dịch vụ chuyển lao động quốc tế. Bên cạnh đó, những thủ tục rườm rà, đòi hỏi nhiều thời gian; chi phí hồ sơ, tuyển dụng, chi phí gián tiếp phát sinh; tiền môi giới cao; thiếu thông tin chính thức... khiến NLÐ tìm đến những kênh phi chính thức. Quá trình tiếp cận thông tin về xuất khẩu lao động, NLÐ thường được tiếp nhận về thị trường lao động và việc làm một cách không đầy đủ hoặc sai lệch, chủ yếu do bạn bè, gia đình, người môi giới cung cấp.

Khác với di cư trong nước, quá trình di cư lao động ra nước ngoài dựa hoàn toàn vào công ty môi giới. Việc xuất khẩu lao động tại Việt Nam vẫn tồn tại hai hình thức: hợp pháp và bất hợp pháp. Di cư hợp pháp đem lại sự an toàn, công việc bảo đảm nhưng chi phí cao, thời gian, thủ tục kéo dài. Trong khi đó, hình thức di cư lao động bất hợp pháp, thời gian làm thủ tục nhanh gọn, chi phí thấp nhưng đối diện nhiều rủi ro và bấp bênh. Ngoài ra, do chi phí di cư cao, việc làm, lương, thu nhập không công bằng khiến NLÐ xuất khẩu theo hình thức hợp pháp có xu hướng bỏ ra ngoài, trở thành di cư bất hợp pháp. Với những người bỏ trốn, họ rất dễ đối diện nhiều rủi ro, mất an toàn cũng như vi phạm luật pháp nước sở tại.

Số liệu tại hội thảo quốc tế Di cư và đa văn hóa, do Học viện Phụ nữ và Ðại học quốc gia Chonnam (Hàn Quốc) tổ chức năm 2019 cho biết, NLÐ di cư gặp rất nhiều vi phạm về quyền lao động nhưng lại ít được hỗ trợ pháp lý. Chỉ có 4% người di cư Việt Nam cố gắng đấu tranh đòi bồi thường cho những lạm dụng mà họ gặp phải. Cứ năm người di cư từ Việt Nam thì một người không nhận được bất cứ quyền lao động nào. Ðáng chú ý là tỷ lệ này cao hơn so với nhóm di cư đến từ các quốc gia khác, nguyên nhân là do tỷ lệ NLÐ di cư Việt Nam là lao động bất hợp pháp cao. Do di cư bất hợp pháp cho nên khi bị xâm hại, các nạn nhân không dám tiếp cận các cơ quan chức năng của nước sở tại để nhận được sự bảo vệ. Họ cũng e ngại tiếp cận các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước đó để nhận sự giúp đỡ.

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật khuyến khích tổ chức tư vấn hỗ trợ pháp luật, các tổ chức dịch vụ pháp lý, cơ sở đào tạo, nghiên cứu chuyên ngành luật thực hiện việc tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin pháp luật miễn phí cho nhân dân. Trên thực tế, hiện nay, việc hỗ trợ thông tin cho LÐDC được thực hiện chủ yếu dưới các hình thức: trang mạng điện tử của Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự; tạo thuận lợi trong tiếp cận thông tin về công tác bảo hộ công dân, đưa các cảnh báo cần thiết cho công dân đề phòng, tránh rủi ro, thảm họa trong quá trình xuất cảnh, cư trú ở nước ngoài. Phòng Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài cũng đã thiết lập đường dây nóng bảo hộ 24/24 giờ; hỗ trợ qua việc tiếp cận cá nhân trong trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều khoảng cách. Hiện Việt Nam chưa gia nhập công ước 1990 về quyền của người lao động di cư. Công ước này xây dựng các chuẩn mực bắt buộc về đối xử, việc làm, quyền của lao động di trú nhằm chấm dứt tình trạng bóc lột NLÐ. Bên cạnh đó, khung pháp lý cho người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài không điều chỉnh quan hệ lao động bất hợp pháp. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 chỉ điều chỉnh lao động di cư theo hợp đồng. Ðây chính là khoảng trống lớn.

Bên cạnh đó, còn thiếu các thiết chế bảo vệ NLÐ di cư; thiếu sự phối hợp chặt chẽ và thiết chế chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ NLÐ di cư bất hợp pháp. Hiện nay, cơ quan chịu trách nhiệm chính về NLÐ di cư là Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; chịu trách nhiệm về công dân Việt Nam ở nước ngoài là Ðại sứ quán và Lãnh sự quán Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại và vùng lãnh thổ. Thực tế trên cho thấy, có quá nhiều cơ quan có chức năng hỗ trợ thông tin cho LÐDC nhưng lại không có một cơ quan chính thức nào chịu trách nhiệm đối với đối tượng NLÐ di cư bất hợp pháp. Các chuyên gia xã hội học cho rằng, NLÐ dù di cư hợp pháp hay bất hợp pháp cũng cần được bảo vệ do họ có quyền lao động và quyền được an toàn. Việc bỏ mặc, hoặc trừng trị không phải là giải pháp phát triển bền vững.

Hiện nay, LÐDC chủ yếu dựa vào mạng lưới xã hội để giải quyết những nhu cầu đời sống hằng ngày cũng như khó khăn liên quan đến pháp lý. Việt Nam đã có cơ chế hỗ trợ pháp luật cho LÐDC. Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế cao, trong khi các cơ quan hỗ trợ lại chưa bảo đảm phục vụ được hết, do vậy, thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ và có thiết chế chịu trách nhiệm chính trong bảo vệ NLÐ di cư tự do ở nước ngoài. Trong đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cần đẩy mạnh, phối hợp Ðại sứ quán Việt Nam, Lãnh sự quán Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, vùng lãnh thổ nhằm làm tốt hơn nữa công tác bảo trợ, hỗ trợ LÐDC. Trên thực tế, các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã và đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tư vấn cho đối tượng LÐDC, có đóng góp lớn trong hỗ trợ LÐDC tiếp cận thông tin pháp lý. Tuy nhiên, địa vị của các tổ chức này chưa rõ ràng, cần có khung pháp lý xác lập địa vị pháp lý cho các tổ chức này hoạt động hiệu quả. Các bộ, ngành liên quan cần phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường các kênh truyền thông, đường dây tư vấn để NLÐ tiếp cận các đơn vị tổ chức xuất khẩu lao động hợp pháp.