Bình thường và bất thường trong việc giảm giá hàng hóa

Việc tăng hay giảm giá hàng hóa, dù bình thường hay bất thường, cũng đều có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ phía cung và phía cầu, luôn mang tính hai mặt trong thương trường và đời sống kinh tế - xã hội.

Ý nghĩa bình thường và tích cực sẽ là chủ yếu khi việc giảm giá hàng là do tăng nguồn cung bền vững nhờ tăng năng suất và sản lượng, giảm chi phí kinh doanh, cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp; do tăng năng lực dự trữ, phát triển hệ thống phân phối và sự mở rộng các đợt khuyến mãi mục tiêu có lợi cho người tiêu dùng với tư cách "thượng đế". Còn bất thường và tiêu cực của hiện tượng giảm giá sẽ đậm nét hơn khi chủ yếu do sự suy giảm sức mua xã hội gây hiện tượng giảm phát, làm mất động lực kinh doanh xã hội; do bán phá giá và cạnh tranh không lành mạnh nhằm thao túng thị trường; do khách hàng từ chối vì hàng kém chất lượng hoặc không phù hợp nhu cầu đã thay đổi và ngày càng đòi hỏi cao của người tiêu dùng. Việc giảm giá mà làm tăng chênh lệch giá bán buôn và bán lẻ hàng nông sản do người sản xuất và người tiêu dùng đều bị thương lái bắt chẹt, "mua rẻ bán đắt" vì hạn chế về phương tiện vận chuyển, bảo quản lưu kho và chế biến, kiểu "được mùa rớt giá"... cũng không phải là tốt cho sản xuất và đời sống nói chung.

Ðiều đáng chú ý là, các năm trước, cứ trước và sau Tết hầu hết các mặt hàng thực phẩm như thịt bò, thịt lợn, tôm cá... đều tăng giá gấp 1,5 đến hai lần, thì trong dịp Tết Giáp Ngọ này, giá cả các mặt hàng nêu trên hầu như không thay đổi, thậm chí tại các đô thị lớn đều có xu hướng giảm giá, nhất là nhóm hàng rau xanh và hàng tiêu dùng thiết yếu mang tính thời vụ cao. Ðơn cử, giá thịt lợn, thịt bò thăn ở Hà Nội hiện giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với ngày mở bán hàng sau Tết, giá cà chua giảm mạnh từ 6.000 đến 10.000 đồng/kg, các loại rau khác giá cũng giảm khoảng 1.000 đến 3.000 đồng/kg. Hệ thống siêu thị Big C khai trương vào sáng mồng 3 Tết và đồng loạt triển khai ba chương trình khuyến mãi, áp dụng cho hơn 1.000 mặt hàng có mức giảm giá từ 5 đến 35% (trong đó, mức giảm các mặt hàng thực phẩm khô đến 20%; thực phẩm tươi sống, đông lạnh, nước uống, thức ăn sẵn là 25%; điện gia dụng, điện máy là 35%). Hệ thống Siêu thị Co.op Mart trên cả nước cũng đồng loạt giảm giá đến 49% cho 600 mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồ chơi trẻ em, may mặc và đồ dùng gia đình trong chương trình "Hái lộc đầu năm". Từ đầu năm tới nay, giá ga trong nước cũng đã giảm hai lần, khoảng 56.000 đồng/bình 12 kg, so với đợt tăng giá trước tới 79.000 đồng/kg. Những động thái tăng và giảm giá ga này cùng chiều với mức giảm giá trên thị trường thế giới và là bình thường theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện tượng giá một kg su hào tại Hà Nội hiện khoảng 2.000 đồng, còn tại huyện Lý Nhân (Hà Nam) chỉ từ 300 đến 500 đồng/kg lại là minh chứng khá điển hình về sự bất thường đáng suy nghĩ của giảm giá thị trường do hạn chế về thông tin và lưu thông thị trường...

Quan sát thực tế cho thấy, việc giảm giá sau Tết năm nay dù bất thường về xu hướng so với các Tết trước, nhưng là bình thường về nguyên nhân, cả về phía cung và cầu.

Một mặt, việc giảm giá hiện nay ít nhiều phản ánh tổng cầu ít thay đổi trong dịp Tết, khiến sức mua thị trường còn yếu gắn với thực tế kinh tế còn khó khăn, thu nhập hạn chế, người dân vẫn còn giữ tâm lý chờ đợi và chi tiêu thận trọng. Hơn nữa, tâm lý mua sắm tích trữ đồ ăn ngày Tết đang giảm dần trong dân, cho nên không có nhiều sự đột biến cầu ngày Tết, kiểu "no dồn đói góp" như trước đây. Ngoài ra, việc tranh thủ tăng giá kiểu "té nước theo mưa" trước Tết cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc giảm giá hàng sau Tết, theo quy luật cung - cầu (thực tế năm nay vẫn còn hiện tượng giá một bát bún ốc vỉa hè Hà Nội những ngày Tết tới 50.000 đến 100.000 đồng so với 20.000 đồng/bát vào ngày thường và sau Tết).

Mặt khác, việc giảm hoặc giữ giá (nhất là rau xanh) chủ yếu do bảo đảm nguồn cung dồi dào nhờ thời tiết thuận lợi; công tác dự trữ và lưu thông phân phối hàng hóa thị trường thời gian Tết được cải thiện nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, cũng như sự năng động của doanh nghiệp. Hệ thống siêu thị, chợ dân sinh ngày càng phát triển về lượng, mở rộng quy mô và chi nhánh, chuỗi điểm bán hàng, lại tích cực mở cửa hoạt động sớm, cạnh tranh và khuyến mãi cao hơn, tạo cơ hội mặc cả, giảm giá nhiều hơn cho người mua.

Giảm giá hàng hóa luôn có lợi cho người tiêu dùng và kiềm chế lạm phát, song có thể gây bất lợi cho sản xuất và động lực tăng trưởng kinh tế. Nhiệm vụ quản lý nhà nước là cần tỉnh táo, thận trọng, cập nhật và phổ biến thông tin thị trường, bắt trúng nguyên nhân và có "đơn thuốc" phù hợp để khai thác các tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của giảm giá, hài hòa lợi ích chung vì sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước.