Bình ổn thị trường thịt lợn

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết, từ khi có dịch tả lợn châu Phi đến nay, tổng đàn lợn hiện còn 25 triệu con, lợn nái 2,7 triệu con. Đến nay, 14 tỉnh có hơn 85% xã qua 30 ngày không phát sinh dịch, riêng tỉnh Hưng Yên đã hoàn toàn hết dịch.

Đây là điều kiện tốt để các địa phương có thể tái đàn bằng giống có chất lượng cao. Bên cạnh đó, so với năm 2018, số lượng thịt gia cầm tăng hơn 13,5%, thịt trâu, bò tăng 4,2%, ngoài ra còn có hơn 30 nghìn tấn thịt dê, cừu, 13 tỷ quả trứng… phần nào bù đắp cho lượng thịt lợn bị thiếu hụt.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn tăng cao, trong khi theo dự báo của cơ quan chức năng, nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm sẽ thiếu khoảng 200 nghìn tấn, một phần do nguồn lợn thịt tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong vùng dịch gần như không còn; nhiều hộ chăn nuôi “găm” hàng; khiến các cơ sở giết mổ phải thu mua lợn với giá cao. So với thời điểm dịch tả lợn châu Phi bắt đầu bùng phát (tháng 2-2019), hiện giá lợn hơi đã tăng gần gấp đôi, và dự kiến có thể tăng cao trong những tháng cuối năm khi Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần. Nếu không có các giải pháp bình ổn thì sẽ có thể xảy ra rối loạn thị trường thịt lợn, gây thiệt hại cho các cơ sở chăn nuôi và người tiêu dùng.

Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường nguồn cung các loại thực phẩm khác như thủy sản, trứng, sữa, gia cầm, gia súc lớn…, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi hạt nhân cần phát triển tối đa đàn lợn, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất tới bán lẻ để điều tiết giá cả thị trường hợp lý. Đối với các hộ gia đình, cùng với việc đề xuất chính sách bảo hiểm cho chăn nuôi, tạo tâm lý ổn định trong sản xuất, Cục Chăn nuôi hướng dẫn người dân tăng cường tái đàn trên cơ sở bảo đảm an toàn sinh học, kéo dài thời gian nuôi để tăng sản lượng thịt nhanh nhất. Thay vì lợn nuôi từ 25 đến 26 tuần thì xuất bán, nay nếu nuôi hơn 30 tuần sẽ tăng khoảng 20 đến 30% sản lượng thịt. Tuy nhiên, cũng cần khuyến cáo người nuôi không vì thiếu thịt lợn mà tăng đàn, tái đàn một cách ồ ạt để tránh nguy cơ mất an toàn dịch bệnh.

Về thương mại, để ổn định thị trường trong nước, giúp người chăn nuôi có lãi, bảo đảm an toàn dịch bệnh, ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng xuất khẩu lợn bất hợp pháp sang Trung Quốc, nhập lậu lợn thịt tại các tỉnh biên giới tây nam. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, tính toán cụ thể số lượng nhập khẩu thịt lợn từ đối tác có quan hệ song phương với Việt Nam.