Bảo đảm xây dựng văn bản luật thống nhất

Thời gian qua, trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) và các kỳ họp của QH, một trong những vấn đề được các đại biểu QH quan tâm nhiều là việc xây dựng, thông qua các luật, bộ luật cần bảo đảm sự thống nhất, tránh chồng chéo giữa luật này với các luật khác.

Bảo đảm xây dựng văn bản luật thống nhất

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng chồng chéo, xung đột pháp luật đang gây ảnh hưởng đối với hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân. Tình trạng này đang diễn ra và dẫn đến việc một số cơ quan chức năng nhiều khi không biết áp dụng theo luật nào khi gặp phải những vấn đề, quy định xung đột nhau.

Tại một số cuộc họp của Chính phủ, các bộ, ngành và nhất là các phiên họp, kỳ họp của QH, các chuyên gia, các đại biểu QH đã nêu vấn đề vướng mắc nêu trên. Thí dụ như, cơ quan trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðầu tư và Luật Doanh nghiệp là Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã nhận định, các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa Luật Ðầu tư và các luật có liên quan đã dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Doanh nghiệp không tương thích với sự thay đổi của pháp luật liên quan hoặc không còn phù hợp với thực tiễn mới phát sinh. Một số điểm xung đột, chồng chéo điển hình được nhắc tới là xung đột về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở giữa Luật Ðầu tư và Luật Nhà ở; xung đột về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật Ðầu tư, Luật Ðấu thầu và Luật Ðất đai; xung đột về thủ tục giới thiệu địa điểm đầu tư, địa điểm xây dựng giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Ðầu tư...

Trước thực tế nêu trên, Chính phủ, QH cùng các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã và đang có nhiều nỗ lực nhằm từng bước giải quyết triệt để những khúc mắc. Trong đó, có việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại kỳ họp thứ tám, QH khóa XIV vừa qua, Chính phủ trình QH cho ý kiến sửa đổi luật này và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ chín, năm 2020. Ðây là sửa Luật về luật, về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong xây dựng luật, về quy trình, về thẩm quyền soạn thảo, thẩm tra, quá trình thông qua, vai trò của các bộ, ngành, ủy ban của QH, tổ chức, cá nhân trong xây dựng văn bản pháp luật. Ðây cũng là nền tảng trong xây dựng văn bản pháp luật, là nền tảng của công tác quản lý nhà nước. Do vậy, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung luật, khắc phục những hạn chế, bất cập là rất quan trọng để phù hợp tình hình thực tiễn.

Một trong những yếu tố quan trọng để có được một văn bản luật hoàn chỉnh, chính xác, đáp ứng tốt thực tế là tinh thần trách nhiệm đến cùng, sự tâm huyết của cá nhân, tập thể khi được giao chủ trì dự án luật. Các đơn vị soạn thảo luật cần dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, rà soát, tham khảo thực tiễn; cần chú trọng chất lượng văn bản, đồng thời có sự phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định của pháp luật chỉ có thể được giải quyết tốt khi công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hoạt động xây dựng pháp luật được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thống nhất. Trong đó, các ý kiến phản biện, góp ý, đề xuất chính xác, hợp lý của các chuyên gia, của các đại biểu QH, của nhân dân cần được cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ, tiếp thu nghiêm túc. Ðây có thể coi là những khâu đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng văn bản luật.

Các cơ quan chức năng cần tập trung xem xét và thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, hạn chế đang bộc lộ trong quá trình xây dựng pháp luật hiện nay để cùng nhau đổi mới, cải tiến quy trình, cách làm theo hướng hiệu quả, thực chất hơn. Qua đó, tạo ra được sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, từ cơ quan soạn thảo, thẩm định đến cơ quan phản biện, kiểm tra, rà soát văn bản. Về lâu dài, cần nghiên cứu, thí điểm việc bảo đảm sự thống nhất, liên tục của các văn bản luật điều chỉnh về một vấn đề, lĩnh vực cụ thể trong tương lai. Cụ thể, khi cơ quan chức năng trình dự án luật thì đồng thời trình cả dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành luật này, từ Nghị định đến Thông tư. Làm tốt công việc này sẽ không chỉ khắc phục được sự chậm trễ pháp lý (khi luật ban hành rồi nhưng thiếu văn bản hướng dẫn thi hành), mà còn góp phần quan trọng bảo đảm các văn bản luật và dưới luật có sự thống nhất cao, không xảy ra tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo.