Bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân miền trung

Mưa, lũ kéo dài thời gian qua khiến nhiều địa phương ở miền trung bị thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê sơ bộ, mưa, lũ làm gần 42.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; hơn 100 nghìn tấn lương thực bị ướt, cuốn trôi; gần 3,3 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, gần 10.000 ha (chiếm 25,9%) diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa, lũ, các tỉnh miền trung cần hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn giống ngô, hơn 44 tấn hạt giống rau. Cùng với đó, ngành chăn nuôi các địa phương cần 560 nghìn liều vắc-xin, 140 nghìn lít và 105 tấn hóa chất khử trùng. Đến nay, thông qua sự trợ giúp của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ nhân dân tại năm tỉnh miền trung bị thiệt hại nặng trong đợt mưa, lũ vừa qua 150 tỷ đồng, 1,2 triệu gà giống, 75 triệu tôm giống, 85.000 lít hóa chất và 120 tấn hóa chất khử trùng, đồng thời tổ chức 23 lớp tập huấn để người dân yên tâm khôi phục sản xuất... Ngoài ra, Trung ương đã xuất cấp gần 39 tấn hạt giống cây trồng gồm: giống ngô, rau các loại hỗ trợ cho một số tỉnh miền trung tái thiết sản xuất.

Nhằm ổn định đời sống cho nhân dân, trước mắt, các địa phương cần hướng dẫn nhân dân cải tạo, vệ sinh đồng ruộng, đẩy nhanh phục hồi sản xuất, bảo đảm lương thực, thực phẩm từ nay đến Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đưa vào sản xuất các loại rau màu, ưu tiên cây trồng ngắn ngày để vừa tạo thu nhập vừa tạo nguồn thực phẩm cho nhân dân; hướng dẫn người dân tăng nhanh diện tích rau màu. Bởi nếu không đẩy nhanh tốc độ sản xuất, nguy cơ sẽ gây tình trạng thiếu nguồn cung trong dịp Tết. Vì vậy, đối với vùng nào có điều kiện, các địa phương cần hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân triển khai sản xuất ngay nhằm bảo đảm thời vụ. Tuy nhiên, các địa phương cần tính toán trên cơ sở nhu cầu của từng vùng để có các phương án hỗ trợ hạt giống cụ thể; cần khẩn trương phân bổ nguồn giống cây trồng đã được hỗ trợ để nhân dân tranh thủ gieo trồng; chuẩn bị các phương án sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 để thâm canh, tăng năng suất, chất lượng nhằm bù vào những thiệt hại vừa qua. Các địa phương nên tập trung rà soát đánh giá hiện trạng sản xuất lúa bị ảnh hưởng, có biện pháp khắc phục, cải tạo đồng ruộng, khôi phục hệ thống thủy lợi nhằm kịp thời gieo trồng vụ đông xuân tới; lưu ý khoảng 3.000 ha sản xuất lúa bị đất đá vùi lấp trong đợt mưa, lũ vừa qua cần có phương án cải tạo lại hoặc chuyển đổi sản xuất.

Cùng với đẩy nhanh gieo trồng, các địa phương cần chú trọng khôi phục chăn nuôi gia cầm vì có chu kỳ sản xuất ngắn, bảo đảm nguồn cung sản phẩm từ nay đến Tết Nguyên đán. Việc khôi phục sớm chăn nuôi gia cầm sẽ góp phần giúp nhân dân tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.