Bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn

Sau đợt xuống giá hồi đầu năm nay, vài tháng trở lại đây, giá thịt lợn hơi trong nước bắt đầu tăng nhanh và cao bất thường. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê tại các địa phương trên cả nước, giá lợn hơi hiện dao động quanh mức 65 - 75 nghìn đồng/kg, cá biệt có địa phương như Lào Cai, Hưng Yên lên khoảng 80 nghìn đồng/kg.

Còn theo khảo sát tại một số chợ ở Hà Nội, thịt lợn ba chỉ và ba chỉ rút sườn dao động quanh mức 160 - 190 nghìn đồng/kg, thậm chí sườn non có giá hơn 200 nghìn đồng/kg. Mức giá này theo nhiều tiểu thương là đã tăng khoảng 20% so thời điểm cách đây một tháng và gấp gần hai lần mức giá bình quân hồi giữa năm nay (thời điểm giá xuống thấp do dịch tả lợn châu Phi).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn cung thịt lợn không thiếu hụt quá lớn để khiến mức giá “lập kỷ lục” liên tục như vừa qua. Nguyên nhân thực tế xuất phát từ tình trạng khan hiếm nguồn cung cục bộ tại một số địa phương, nhất là ở những khu vực tiêu thụ lợn thịt tại chỗ do người chăn nuôi không bán ra thị trường. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng vận chuyển lợn theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc. Thêm vào đó, người chăn nuôi lớn thường không muốn xuất bán lẻ do e ngại nguy cơ người mua có thể phát tán nguồn dịch vào cơ sở chăn nuôi, dẫn đến những hộ giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung lợn thịt, phải mua lại của thương lái hoặc những nông hộ ép giá lên cao đã làm cho giá lợn thịt ở những khu vực này tăng cao cục bộ so với giá bình quân chung.

Điều đáng nói, chính những thông tin phản ánh về những nơi có giá cao bất thường đã gây ra hiệu ứng, tạo tâm lý bất ổn đối với người dân về việc thịt lợn hơi trong nước đang tăng cao do thiếu trầm trọng nguồn cung. Từ đó, không ít người chăn nuôi đã “tát nước theo mưa”, tìm cách “găm hàng”, nuôi lợn đạt trọng lượng đến 170 - 180 kg/con thay vì 90 - 110 kg/con như thông thường để chờ tăng giá.

Giới thương lái cũng “đục nước béo cò”, lợi dụng cơ hội này để “thổi giá” lên cao bất thường. Theo Tổng cục Thống kê, dự kiến trong quý IV-2019, tổng nhu cầu cả nước sẽ là hơn 600 nghìn tấn thịt lợn. Trong khi đó, căn cứ trên tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu hiện nay, tổng cung chỉ đạt hơn 400 nghìn tấn, thiếu hụt khoảng 200 nghìn tấn. Hiện đang bước vào những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn thường tăng rất cao, người dân vẫn coi thịt lợn là thực phẩm phổ biến, chiếm tới 67% trong cơ cấu bữa ăn hằng ngày.

Theo dự báo, nếu giá thịt lợn tăng thêm khoảng 10 - 15%, sẽ làm CPI chung tăng khoảng 0,5 - 0,7%. Do đó, các cơ quan quản lý cần có định hướng để kiểm soát xu thế giá thịt lợn tăng cao, hạn chế lạm phát kỳ vọng, tạo dư địa cho điều hành giá năm 2020. Trong cuộc họp về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường vừa diễn ra ngày 18-11, nhận định việc giá thịt lợn trong nước tăng cao do nguồn cung thiếu hụt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Công thương, Tổng cục Thống kê báo cáo, đánh giá thực chất tình hình, khẳng định việc thiếu hụt nguồn cung hay không; đưa ra các giải pháp bù đắp, đáp ứng thiếu hụt cung - cầu, nhất là trong dịp lễ, Tết, khi nhu cầu thịt lợn tăng cao. Ngoài ra, phải nghiên cứu, dự báo chính xác nhu cầu thịt lợn và nguồn cung từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán, báo cáo Chính phủ kế hoạch bù đắp nguồn cung.

Để ngăn ngừa khả năng một số hộ chăn nuôi và thương lái cố tình “găm hàng, thổi giá”, đồng thời chủ động giải quyết tình trạng nguồn cung thịt lợn thiếu hụt, Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương tính toán từng tháng, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm thịt lợn từ nước ngoài để bảo đảm nguồn cung trong nước, giữ ổn định thị trường dịp cuối năm.