Bảo đảm an toàn giao thông bằng luật pháp

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến 2019, đã xử lý hơn 56 triệu trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, nộp Kho bạc Nhà nước 25.801 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe hơn 3,6 triệu trường hợp. Vi phạm chủ yếu là do người điều khiển phương tiện không chấp hành pháp luật. Trung bình mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10 nghìn người, trong đó nhiều người trong độ tuổi lao động. Ngoài ra, tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm vẫn thường xuyên xảy ra. Ðáng chú ý, tình hình người tham gia giao thông coi thường pháp luật, không chấp hành, thậm chí chống lại người thi hành công vụ diễn biến ngày càng phức tạp.

Ðảng, Nhà nước cùng các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp nhằm kiềm chế, làm giảm cả ba tiêu chí trong tai nạn giao thông (số vụ, số người chết, số người bị thương) nhưng tình hình vẫn còn nhiều bất cập và trở thành nỗi lo lắng, bất an của người dân khi tham gia giao thông. Ðể có thể thực hiện tốt mục tiêu nêu trên, rõ ràng cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, ban hành, bổ sung các quy định pháp luật ở lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông trong hoàn cảnh Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã và đang bộc lộ những hạn chế.

Hiện nay, Quốc hội đang tiến hành nghiên cứu, chuẩn bị cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cùng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Có ý kiến băn khoăn về việc cùng xây dựng hai luật có nhiều nội dung giống nhau, sẽ gây khó khăn, không hiệu quả trong thực tế triển khai. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhất trí cao với việc xây dựng riêng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, từ đó có thể giải quyết được những diễn biến phức tạp về an toàn giao thông như đã nêu trên. Có thể thấy rõ, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là quan trọng bởi trên hầu hết các tuyến đường, khi có sự hiện diện của lực lượng cảnh sát giao thông thì hiện tượng ùn tắc được giải quyết hiệu quả; cảnh sát giao thông là một trong những lực lượng không có ngày nghỉ, nhất là trong dịp lễ, Tết để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn; đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật kể cả phương tiện, người điều khiển.

Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đề cao văn hóa giao thông; trong đó trước hết là văn hóa của người tham gia giao thông, văn hóa ứng xử tình huống và trách nhiệm, sự minh bạch của lực lượng thực thi pháp luật, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông… Ðể làm được điều này, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần xây dựng được những chế tài nghiêm khắc đối với những người trực tiếp điều khiển phương tiện từ ô-tô, xe máy, xe đạp điện, kể cả xe đạp lưu thông trên đường có các hành vi vi phạm an toàn giao thông… Người điều khiển phương tiện phải làm chủ bản thân và đặc biệt là phải tự giác chấp hành luật giao thông đường bộ. Các quy định của luật cần hướng đến tính tự giác, tinh thần tuân thủ nghiêm quy định pháp luật của người tham gia giao thông ngay cả khi không có sự hiện diện của lực lượng chức năng trên các tuyến đường. Ðây là một nội dung rất quan trọng cần được nghiên cứu và xây dựng các quy định phù hợp. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, các vụ tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu do chủ quan của người điều khiển phương tiện, với các hành vi, như: phóng nhanh vượt ẩu; lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; dùng chất kích thích; vượt trái phép; lái xe quá thời gian.

Lĩnh vực thi, sát hạch, cấp bằng lái xe ô-tô cho người dân là nội dung dự kiến được quy định trong Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Ðây cũng là vấn đề được nhiều người dân quan tâm bởi trong thực tế có nhiều hạn chế, yếu kém dẫn đến chất lượng học, thực hành không cao. Có hiện tượng người đã được cấp bằng, điều khiển phương tiện trên đường nhưng không nhớ luật, không hiểu được biển báo, không nhận diện được vạch kẻ… Bộ Công an cần đưa ra các giải pháp, quy định để xử lý hiệu quả thực trạng này, trong đó đề cao kỹ năng lái xe trên đường giao thông công cộng, nắm chắc luật và coi đây là những căn cứ quan trọng, được chấm điểm cao để đánh giá kết quả sát hạch lái xe. Chương trình đào tạo lái xe cần quy định học viên phải học kiến thức về xử lý, sơ cứu ban đầu khi gặp tai nạn giao thông, kiến thức và kỹ năng phòng ngừa tai nạn…

Bên cạnh đó, cần có những giải pháp bổ sung để tạo ra môi trường giao thông an toàn, thuận lợi, như hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, có chính sách ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nhất là trong các đô thị hay xảy ra ùn tắc. Qua đó, giúp người dân có nhiều sự lựa chọn và thuận lợi khi tham gia giao thông. Cùng với đó, Ban soạn thảo luật cần rà soát, đối chiếu để những quy định của luật này không trùng lắp, không xung đột với các quy định của luật khác liên quan…