Bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường

Mấy năm gần đây, ở một số địa phương đã xảy ra các vụ tai nạn ảnh hưởng đến an toàn cho học sinh ngay trong trường học. Ngoài những vụ tai nạn do thiên tai, vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn do sập cổng trường, sập trần lớp học, cây đổ trong sân trường… Mới đây nhất tại huyện Văn Bàn (Lào Cai), cổng trường tại phân hiệu Bản Phung của Trường tiểu học Khánh Yên Thượng bị sập làm chết ba học sinh, bị thương ba em khác khiến các bậc phụ huynh lo lắng về sự an toàn của con em mình khi đến trường. Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn phần lớn do cơ sở vật chất của nhà trường không bảo đảm an toàn; nhiều hạng mục công trình lâu năm xuống cấp nhưng không được kịp thời rà soát, nâng cấp, tu sửa; một số vụ tai nạn xảy ra do trẻ hiếu động, thích tự khám phá trong khi khả năng ứng phó để tự bảo vệ bản thân còn hạn chế… Tai nạn thương tích có thể xảy ra đối với trẻ bất cứ lúc nào nếu không có những biện pháp phòng, tránh phù hợp. 

Trường học là nơi để học tập, rèn luyện, đem lại kiến thức cho học sinh thì nay lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo  cùng các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; các văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm an toàn trong trường học; cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát các công trình trường học. Tuy nhiên, thực tế ở một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm đến việc xây dựng môi trường an toàn, chưa sâu sát trong công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời nguy cơ tiềm ẩn để sửa chữa, khắc phục. Không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra, rà soát lại mới phát hiện quy trình bảo đảm an toàn cho học sinh còn lỏng lẻo, các công trình trường học được xây dựng từ lâu nhưng không được cải tạo, bảo trì theo quy định.  

Năm học 2020-2021, với quy mô gần 23 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước, để không xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, ngành giáo dục các địa phương cần tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong trường học. Ngăn chặn, phòng ngừa và khắc phục các yếu tố  nguy cơ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho nhà giáo và học sinh trong các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, kiểm soát chất lượng các công trình trường học thường xuyên; tăng cường giám sát, kiểm soát mọi hoạt động, nếu có bất thường phải tu bổ, sửa chữa, khoanh vùng bảo vệ, hạn chế qua lại đối với các hạng mục có nguy cơ mất an toàn. Kịp thời có phương án sửa chữa, hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án sửa chữa, thay thế, khắc phục kịp thời cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học đã cũ, quá hạn có nguy cơ xảy ra tai nạn đối với học sinh… Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để chủ động phát hiện các yếu tố, các nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình học tập, vui chơi tại nhà, khi đến trường, để chủ động phòng tránh hiệu quả.

Đối với các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ, các cơ sở giáo dục cần thường xuyên rà soát mức độ an toàn của các trường học, nhất là các điểm trường, nhà ở bán trú cho học sinh, những trường học, lớp học nằm ở vị trí dễ xảy ra lũ ống, lũ quét. Đối với thành phố lớn, mỗi khi mùa mưa bão đến, các trường cần liên hệ với đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn tiến hành tổng kiểm tra, cắt tỉa, xử lý những cây có thể gãy đổ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Các cơ sở giáo dục kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn theo quy định khi chưa được cải cạo, sửa chữa, nâng cấp. 

Để thật sự có một môi trường học đường an toàn, lành mạnh cho các em học sinh, rất cần có sự vào cuộc chỉ đạo của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, nhất là chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, rất cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội.