Ai "tháo then" cửa rừng Tây Nguyên?

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích có rừng tại khu vực Tây Nguyên là hơn 2,56 triệu héc-ta, trong đó hơn 2,2 ha rừng tự nhiên. Những năm qua, nhất là sau khi thực hiện lệnh "đóng cửa rừng" của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2016, các tỉnh trong khu vực đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng.

Rừng thông tại tiểu khu 292, địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bị hạ độc đã chuyển màu héo úa.
Rừng thông tại tiểu khu 292, địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bị hạ độc đã chuyển màu héo úa.

Tuy nhiên, những cánh rừng ở Tây Nguyên vẫn bị triệt hạ từng ngày; diện tích, chất lượng tài nguyên rừng và đa dạng sinh học suy giảm. Ðiều khiến dư luận băn khoăn, lo lắng là những năm gần đây, đối tượng phá rừng tỏ ra coi thường luật pháp, liều lĩnh, manh động; sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn phá rừng táo tợn… Cùng với đó, vẫn có không ít đơn vị, cộng đồng, cá nhân được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng nhưng lại trở thành "chìa khóa" mở cửa rừng xanh, tiếp tay cho đối tượng xâm hại rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp, trục lợi bất chính nhưng chưa bị xử lý nghiêm.

Cuối tháng sáu vừa qua, bảy bị cáo liên quan đến vụ khoan lỗ, đổ hóa chất hủy hoại hơn 10 ha rừng thông tại tiểu khu 292, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Ðồng) vào tháng 4-2019, đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Ðồng tuyên án tổng cộng hơn 32 năm tù. Ðiều đáng nói, trong vụ án này, có nhân viên một ban quản lý rừng lại "ngó lơ", để những cánh rừng thông tuổi trưởng thành "chết đứng"; và ai đứng sau chuyện này, khi triệt hạ rừng thông không phải để lấy gỗ? Các địa phương tại Tây Nguyên nhận định, thời gian qua, tình trạng phá rừng nhằm chiếm dụng đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp, sang nhượng trái phép gây ảnh hưởng xấu trong dư luận. Nhưng ai "có ý" chiếm dụng, sang nhượng… sau khi những cánh rừng đã hết gỗ? Rất nhiều vụ việc như thế xảy ra tại Tây Nguyên, nhưng kẻ "nép" sau cửa rừng vẫn ít khi lộ diện.

Tháng 7-2019, tại Lâm Ðồng xuất hiện chiêu thức mới, cưa hạ rừng thông, cắt khúc "chôn tập thể" tại chỗ và trên đó "mọc" lên những mảnh vườn sản xuất nông nghiệp, hoặc lấy đất sang nhượng. Vụ việc xảy ra tại tiểu khu 438A, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm với khoảng 2 ha rừng thông bị triệt hạ. Ðây là rừng giao khoán cho cộng đồng dân cư
thôn 4, xã Lộc Phú quản lý, bảo vệ.

Tháng 8 vừa qua, vụ việc tương tự xảy ra tại tiểu khu 443, xã Lộc Phú, lâm phần do Công ty TNHH An Phú Nông quản lý, bảo vệ. Qua nhiều lần "khai quật", cơ quan chức năng xác định, tổng số gỗ thông bị chôn lấp là 159 khúc, khối lượng hơn 15,4 m3. Doanh nghiệp chủ rừng thừa nhận đã chỉ đạo nhân viên bảo vệ công ty thuê người chôn lấp số lâm sản nêu trên.

Theo thống kê của chi cục kiểm lâm năm tỉnh Tây Nguyên, riêng năm 2019, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xảy ra 3.299 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó hơn 840 vụ phá rừng trái phép, 449 vụ khai thác lâm sản trái phép, làm thiệt hại hàng trăm héc-ta rừng. Tuy số vụ phá rừng ở các tỉnh đều giảm so năm trước đó nhưng xuất hiện tình trạng phá rừng trái phép quy mô lớn, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Và, tỷ lệ vụ việc "chưa xác định được đối tượng" còn rất cao.

Để xảy ra nạn phá rừng tràn lan ở Tây Nguyên, phải chăng do "sức ép" từ nhu cầu đất sản xuất của người dân, tình trạng dân di cư tự do, sang nhượng đất trái phép; hay do nhiều nơi thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý; nhiều chủ rừng không đủ năng lực, nhân lực và kinh phí để bảo vệ rừng được giao? Có hay không trường hợp "mở cửa rừng" giấu tay, bao che để đối tượng phá rừng dễ dàng triệt phá tài nguyên rừng…? Những câu hỏi đó đã được "nhận diện" rành mạch tại nhiều văn bản về công tác quản lý, bảo vệ rừng của các tỉnh Tây Nguyên. Tại Lâm Ðồng, Chủ tịch UBND tỉnh còn quyết liệt, yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị và tổ chức để xảy ra tình trạng phá rừng nhưng không kịp thời kiểm tra, ngăn chặn, xử lý; không thực hiện giải tỏa, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng lại rừng, phục hồi rừng.

Thời gian qua, rất nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ rừng của các tỉnh Tây Nguyên đã được ban hành; nhiều giải pháp bảo vệ rừng đã được đặt ra, trách nhiệm đã được xác định… nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 nâng diện tích rừng lên 2,72 triệu héc-ta, độ che phủ rừng lên 49,2%, như Ðề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2016-2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-3-2019). Song, hành trình tới đích còn quá chông chênh, khi những cánh rừng giữa Tây Nguyên vẫn ngã xuống.