Cẩn trọng với du lịch trọn gói, giá rẻ

Nhằm kích cầu du lịch sau dịch Covid-19, các hãng lữ hành đã giới thiệu, quảng cáo nhiều chuyến du lịch có giá cả hấp dẫn với khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh các chuyến du lịch đúng như quảng cáo, còn không ít công ty bán các chuyến du lịch trọn gói (combo) gồm cả vé máy bay và phòng khách sạn, hoặc chuyến du lịch (tour du lịch) không bảo đảm chất lượng, không đúng như cam kết. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp lữ hành chân chính và niềm tin của du khách, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc vận động “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Vào lúc cao điểm của du lịch như hiện nay, chỉ cần gõ từ khóa “combo du lịch giá rẻ” trên công cụ tìm kiếm google là ra hàng loạt kết quả với lời quảng cáo, mời gọi khá hấp dẫn như: “3 ngày 2 đêm chỉ 1.999 K”, “Combo du lịch - giá rẻ sập sàn”... Trên thực tế, chương trình kích cầu du lịch bước đầu đạt được hiệu quả khi lượng khách đến các điểm du lịch đều tăng đáng kể, du khách tìm được combo phù hợp cho gia đình với giá cả hợp lý, dịch vụ tốt. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện một số sản phẩm du lịch chất lượng kém hơn nhiều so với quảng cáo. Chiêu trò của các công ty này là giảm giá nhưng lại bớt dịch vụ, khiến chất lượng combo và tour du lịch không như giới thiệu. Không ít khách hàng sau khi mua các combo kiểu này đã phàn nàn về dịch vụ quá tệ, phòng khách sạn không đúng hạng sao, nhiều thiết bị cũ kỹ, hỏng hóc... Ngoài ra, khách hàng còn có nguy cơ bị lừa khi mua combo du lịch giá rẻ từ các đại lý không uy tín. Điển hình như trường hợp một nhóm khách hàng đã mua combo Hà Nội - Nha Trang với giá theo quảng cáo là “rẻ chưa từng thấy” từ một phòng vé ở Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội). Tuy nhiên, gần đến ngày bay mà nhóm khách này vẫn không nhận được mã vé máy bay cũng như mã đặt phòng khách sạn. Khi tìm đến địa chỉ thì phòng vé này đã đóng cửa và gỡ hết biển hiệu.
 
 Cũng vì nhu cầu du lịch tăng đột biến và tâm lý ham rẻ mà một số đơn vị, cá nhân làm du lịch dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo hơn. Trước tình trạng này, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Công văn số 898/TCDL-LH gửi sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố về việc yêu cầu tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động du lịch, bảo đảm chất lượng dịch vụ tại địa phương.
 
 Tổng cục Du lịch đề nghị sở quản lý du lịch các địa phương rà soát hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch, lữ hành, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trái phép, không đúng chức năng, cung cấp dịch vụ kém chất lượng cho khách du lịch. Đồng thời, cần công khai danh tính các công ty, điểm du lịch, người làm du lịch có biểu hiện làm ăn chụp giật, lừa đảo để du khách biết và tránh. Cũng cần chú ý là Luật Quảng cáo, Luật Thương mại đều có những điều khoản quy định cụ thể việc niêm yết công khai giá cả, quảng cáo trung thực, đúng như chất lượng sản phẩm. Vì thế, các cơ quan quản lý cần siết chặt hơn nữa việc kiểm soát hoạt động của các đơn vị kinh doanh lữ hành nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách du lịch.
 
 Cùng với sự chấn chỉnh của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp lữ hành cần đặt mục tiêu xây dựng niềm tin và sự hài lòng của du khách lên hàng đầu để mang đến các sản phẩm du lịch chất lượng tốt với mức giá hợp lý, không “treo đầu dê bán thịt chó”, góp phần thực hiện thành công chương trình kích cầu du lịch nội địa. Các điểm du lịch, cơ sở lưu trú tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ; tiến hành rà soát cơ sở vật chất để kịp thời thay thế, sửa chữa thiết bị hỏng hóc, thay mới vật dụng cũ, nhằm bảo đảm chất lượng đúng như hạng “sao” đã công bố. Và quan trọng hơn cả, mỗi khách hàng phải là những người tiêu dùng thông thái, cẩn trọng trong việc chọn lựa đơn vị lữ hành có uy tín; từ đó, cân nhắc kỹ lưỡng, tránh vì ham rẻ mà mua phải sản phẩm chất lượng kém.