Người giữ lửa làm bạc ở Lao Sa

NDO -

NDĐT- Lao Sa là một thôn nhỏ nằm sát biên giới thuộc huyện Đồng Văn, Hà Giang. Với những nếp nhà trình tường cổ, khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hoa trái rực rỡ mỗi mùa một vẻ, Lao Sa vốn được biết đến như là một trong những bản làng người Mông xinh đẹp nhất tỉnh Hà Giang. Nhưng ít ai biết được, Lao Sa ngày nay còn là nơi lưu giữ một ngành nghề truyền thống rất đặc biệt của đồng bào Mông cao nguyên đá: nghề chạm, khắc bạc trang sức.

Toàn thôn Lao Sa ngày nay chỉ còn sáu hộ gia đình còn giữ lửa với lò luyện bạc. Và ông Mua Sè Sính là một trong số ít những nghệ nhân còn sót lại ở Lao Sa.
Toàn thôn Lao Sa ngày nay chỉ còn sáu hộ gia đình còn giữ lửa với lò luyện bạc. Và ông Mua Sè Sính là một trong số ít những nghệ nhân còn sót lại ở Lao Sa.

Người giữ lửa làm bạc ở Lao Sa ảnh 1

Nghệ nhân Mua Sè Sính đến nay cũng đã có hơn 50 năm kinh nghiệm làm bạc. Gia đình ông đã có hơn 100 năm làm nghề, trải qua năm đời theo phương pháp cha truyền con nối từ đời này sang đời khác và dòng họ ông Sính còn nhiều nghệ nhân nhất với chín người, đều là anh em con cháu trong nhà.

Người giữ lửa làm bạc ở Lao Sa ảnh 2

Vòng bạc là trang sức không thể thiếu đối với các cô gái Mông, nhất là vào những ngày trọng đại trong năm như lễ, Tết và được làm của hồi môn tặng con gái về nhà chồng.

Người giữ lửa làm bạc ở Lao Sa ảnh 3

Thời điểm gia đình ông Sính bận rộn nhất thường từ sau tháng 10 Âm lịch đến Tết, trùng với thời điểm mùa cưới người Mông. Khi đó, rất đông khách hàng từ bốn huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đều tìm đến đặt hàng.

Người giữ lửa làm bạc ở Lao Sa ảnh 4

Thu nhập từ nghề bạc đã bắt đầu khá khẩm hơn xưa do điều kiện của bà con vùng cao dần khá hơn. Đặc biệt, trong thời kì internet phổ biến đến từng ngõ ngách, đã có rất nhiều khách hàng người Kinh từ các tỉnh khác, thậm chí có cả khách nước ngoài tìm đến.

Người giữ lửa làm bạc ở Lao Sa ảnh 5

Ông Sính cho biết: Nghề làm bạc ngày nay đỡ vất vả hơn do được giúp sức, hỗ trợ từ máy móc như máy cán, máy đúc, máy làm chuông, rút bạc... nên chất lượng, độ nhẵn của bạc đã đẹp hơn xưa và tiết kiệm nhiều sức lao động của thợ.

Người giữ lửa làm bạc ở Lao Sa ảnh 6

Để tăng năng suất, các công đoạn được chuyên môn hóa cho từng người trong gia đình, mỗi người sẽ phụ trách một công đoạn khác nhau từ lên khuôn, nấu chảy bạc, đổ khuôn, tạo dáng thô, gò nét, chạm khắc...

Người giữ lửa làm bạc ở Lao Sa ảnh 7

Và sau công đoạn cuối là mài dũa, đánh bóng sẽ ra sản phẩm hoàn thiện đến với tay khách hàng.

Người giữ lửa làm bạc ở Lao Sa ảnh 8

Sản phẩm bạc nhà nghệ nhân Mua Sè Sính rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã, từ vòng cổ, nhẫn, kiềng, lắc tay, lục lạc...

Người giữ lửa làm bạc ở Lao Sa ảnh 9

Không chỉ dành cho người Mông, ông Sính còn làm ra các sản phẩm phục vụ các đồng bào dân tộc khác như Kinh, Giáy, Dao, Thái, Lô Lô... với những hoa văn được chạm khắc đặc biệt tinh tế mang đậm nét truyền thống dân tộc họ, như: bông hoa, hình con bướm, hình khánh, chuông,...

Người giữ lửa làm bạc ở Lao Sa ảnh 10

Chiếc cán cân bằng ngà voi này là cách ông Sính tính trọng lượng nguyên liệu để tính giá sản phẩm cuối.

Người giữ lửa làm bạc ở Lao Sa ảnh 11

Giá cả mỗi sản phẩm phụ thuộc lớn nhất vào độ nặng của lượng bạc nguyên liệu và độ khó, tinh xảo của sản phẩm mà khách hàng mong muốn. Sau đó mới đến công sức. Thí dụ như, nhẫn đơn giản chỉ mất buổi sáng chỉ có giá từ 80-150 nghìn đồng, vòng tay lắc bạc thì mất 1-2 ngày giá 600-700 nghìn đồng. Khó nhất, đắt nhất là những chiếc kiềng cổ trang sức có giá từ 10 triệu thậm chí hàng chục triệu, do độ nặng và chi tiết cực kỳ tinh xảo, kéo dài vài ngày thậm chí cả tháng làm.