Người Miêu Trung Quốc thoát nghèo nhờ văn hóa bản địa

NDO -

Người Miêu (Miao) tại nhiều vùng thuộc Châu tự trị dân tộc Miêu-Thổ gia Tương Tây, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, đang có cuộc sống ngày càng khang trang, no ấm, nhờ chính văn hóa bản địa và chính sách xóa đói giảm nghèo hiệu quả của chính phủ.

Một góc Khu tái định cư người Miêu tại huyện Ma Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. (Ảnh: VI SA)
Một góc Khu tái định cư người Miêu tại huyện Ma Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. (Ảnh: VI SA)

"Phượng Hoàng cổ trấn, một địa danh du lịch nổi tiếng tại Tương Tây sẽ được nối tuyến đường sắt cao tốc trong năm 2021, kết hợp với nhiều cung đường bộ cao tốc khác nối với Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây… sẽ đem quê hương của chúng tôi đến gần hơn với khách du lịch thập phương", anh lái xe họ Long cho biết. Đen gầy, với phát âm tiếng phổ thông còn chưa thật sõi, Long là người dân tộc Miêu, đời thứ sáu của một gia đình nông dân miền núi chính hiệu kể chuyện, sáu tuổi lên nương trồng lúa, 10 tuổi lên rẫy trồng cây, 18 tuổi lấy vợ cùng thôn, cuộc sống mưu sinh đều đều như những dẫy ruộng bậc thang xếp hàng trên sườn núi.

Rồi đến một ngày, Phượng Hoàng cổ trấn trỗi mình, tên tuổi của nó vượt ra khỏi nương rẫy, vươn xa khắp trong và ngoài nước. Người Miêu từ những ngôi làng nằm bấp bênh trên núi, được chính phủ hỗ trợ di dân xuống đồng bằng, tạo nếp sống mới, bố trí học nghề, đem công nghệ mới vào sản xuất truyền thống. Từ du lịch, trồng trọt, chăn nuôi, những sản vật địa phương tỏa đi bốn phương. 

Long mở ứng dụng điện thoại lên khoe với tôi hình ảnh một người phụ nữ đang “xuất khẩu thành quảng cáo” trên màn hình, đằng sau là một ngôi nhà mái ngói xám cũ nhưng sạch sẽ, bên cạnh là đĩa đựng trái đào, kiwi và vài loại hoa quả tươi khác. Anh nói, vài ba năm gần đây mới thật sự là bước đột phá của nơi này, chính sách xóa đói giảm nghèo của chính phủ đang vào độ chín, cộng với sự thúc đẩy của công nghệ thông tin. "Tôi thì làm lái xe, vợ và con gái tôi cũng không phải tha hương trên thành thị, mà được trở về quê để chăm sóc ruộng vườn, kết hợp với công ty để bán nông sản trên mạng", anh vui mừng chia sẻ.

Anh mời tôi một chai nước ép kiwi hái tại vườn nhà, rồi cười phá lên bảo, tôi cũng dần trở thành một livestreamer bán hàng rồi đấy. Uống hết thứ nước màu xanh ngọt dịu đó, tôi tần ngần chưa biết đặt vỏ chai đi đâu, Long đã nhanh tay cầm lấy và bảo, anh để tôi cho vào thùng rác, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chúng ta. Phượng Hoàng cổ trấn hằng năm tiếp nhiều triệu khách du lịch, cho nên môi trường nơi đây luôn được các cấp bảo vệ triệt để.

Người Miêu Trung Quốc: Thoát nghèo nhờ văn hóa bản địa -0
Phượng Hoàng cổ trấn về đêm. 

Rời cổ trấn, chúng tôi đến với một thôn người Miêu khác của Tương Tây, thôn Thập Bát Động. Đây cũng là nơi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng mô hình xóa đói giảm nghèo trúng và đúng, áp dụng riêng biệt cho từng khu vực, từng đối tượng. Từ chỗ hơn 300 hộ, gần 1.000 người dân nghèo sống trong môi trường lạc hậu bảy năm về trước, đến nay, mạng 5G đã được phủ sóng trong thôn, nhiều con em dân tộc Miêu đã quay trở về xây dựng làng bản, phát triển du lịch, đem văn hóa bản địa thông qua mạng internet lan tỏa toàn quốc. 

Long giúp chúng tôi “phiên dịch” câu chuyện của cụ Đằng, năm nay 90 tuổi cho biết, người Miêu bản địa vốn chỉ hơn hai chục nóc nhà, chặt cây dựng nhà, đốt rừng làm rẫy, rồi lũ về xóa trắng, mọi người lại chặt cây, phá rừng trong một cái vòng luẩn quẩn. Rồi thôn bản cũng dần phình to, tri thức hiện đại được tiếp cận. Người Miêu tại đây không tàn phá thiên nhiên nữa, cùng với xã xây dựng nông thôn mới.

Thiên nhiên ưu đãi cho nơi này những cảnh quan tuyệt đẹp, 18 hang động liên thông với nhau đầy bí hiểm, không khí trong lành, dần dà thu hút không ít du khách bốn phương lui tới. Văn hóa bản địa của người Miêu những tưởng bị nhốt kín, thì nay có cơ hội bung tỏa. Những điệu múa xòe, tiếng chiêng lảnh lót, vị thơm nồng của đậu nành, trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.

Người Miêu Trung Quốc: Thoát nghèo nhờ văn hóa bản địa -0
Cụ Đằng người dân tộc Miêu. 

Giống như thôn Thập Bát Động, Ma Dương, một huyện tự trị dân tộc Miêu cũng kết hợp sản xuất nông sản với du lịch văn hóa để thúc đẩy xóa đói giảm nghèo. 18 xã của Ma Dương với 80% dân số là người Miêu từng là địa phương khó khăn bậc nhất của tỉnh Hồ Nam, với mô hình kết hơp “công ty-vườn nông sản-nông dân”, Ma Dương đã quy tụ hơn 1.500 hộ nghèo liên kết sản xuất nông sản, từng bước đưa người nông dân dân tộc thiểu số thoát nghèo, tạo mô hình cung cầu bền vững, bảo đảm việc làm ổn định. Ngoài ra, Ma Dương đã thuyết phục hơn 900 hộ gia đình với hơn 3000 nhân khẩu, rời khỏi chỗ ở cũ luôn bị bão lũ đe dọa, chuyển đến một khu tái định cư khang trang, sở hữu trọn đời ngôi nhà mới của mình.

Anh Hoàng, Phó Ban Quản lý công tác giảm nghèo huyện ủy Ma Dương, cũng là người dân tộc Miêu cho biết, điều chúng tôi lo lắng nhất khi rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn, đó là sự xung đột văn hóa giữ truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên chúng tôi đã nhanh chóng hòa nhập lối sống mới, chúng tôi có việc làm ổn định, gia đình được đoàn tụ sau mỗi một ngày làm việc. Điều chúng tôi mừng nhất, đó là được đào tạo sâu hơn chính những nghành nghề truyền thống, như dệt may chẳng hạn. Và thậm chí anh thấy đấy, khu tái định cư còn cấp cho mỗi hộ gia đình một mảnh đất 20 m2 để trồng rau xanh, đây cũng là nơi để chúng tôi có thể nguôi ngoai nỗi nhớ nếp xưa.