Hằng Nga 4 mang theo sự sống lên phần xa khuất của Mặt trăng

NDO -

NDĐT - Tàu Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã hạ cánh xuống phần xa khuất (hay mặt tối) của Mặt trăng, nơi chưa bao giờ nhìn thấy được từ Trái đất, lúc 10 giờ 26 phút sáng ngày 3-1 (giờ Bắc Kinh). Ngoài các nhiệm vụ thăm dò địa hình, địa mạo và thành phần khoáng chất của Mặt trăng, Hằng Nga 4 còn có nhiệm vụ nghiên cứu môi trường sự sống trên hành tinh này.

Hằng Nga 4 mang theo sự sống lên phần xa khuất của Mặt trăng

Hằng Nga 4 mang theo sáu loại sinh vật sống gồm: bông, hạt cải dầu, khoai tây, cải rockcress, ruồi giấm và nấm men tới môi trường không có sự sống để xây dựng một sinh quyển nhỏ, với kỳ vọng sẽ tạo ra được một bông hoa đầu tiên trên mặt trăng.

Một bài báo đăng trên báo Telegraph đầu năm nay thông tin, một chiếc hộp nhỏ có chứa hạt giống của khoai tây và rau cải rockcress cùng với trứng tằm được mang lên Mặt trăng cùng tàu Hằng Nga 4. Theo các nhà khoa học, các hạt giống khoai tây và cải rockcress sẽ cung cấp oxy cho trứng tằm, ngược lại trứng tằm sẽ cung cấp khí CO2 và chất dinh dưỡng thông qua chất thải của nó để nuôi cây. Các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi chặt chẽ các cây này để xem liệu chúng có thể quang hợp thành công, sinh trưởng và nở hoa trên môi trường Mặt trăng hay không.

Thiết kế trưởng của thí nghiệm này, ông Xie Gengxin nói: “Chúng tôi muốn nghiên cứu sự hô hấp của các hạt giống và sự quang hợp trên mặt trăng”.

Thí nghiệm “sinh quyển” là sản phẩm của sự hợp tác giữa 28 trường đại học của Trung Quốc, dẫn đầu là Đại học Khoa học và công nghệ Trùng Khánh. Thí nghiệm được thực hiện trong một hộp hình trụ bằng hợp kim nhôm có thể tích 0.8l, nặng khoảng 3kg và có chứa bụi bẩn, các chất dinh dưỡng và nước. Ánh sáng mặt trời sẽ được bơm vào bên trong hộp bằng một ống nhỏ, và các camera nhỏ sẽ theo dõi môi trường sống này. Các dữ liệu từ camera sẽ được chuyển về Trái đất bằng một hệ thống tiếp âm phức tạp mà các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết lập để kết nối với thí nghiệm này do không thể truyền tín hiệu trực tiếp tới Trái đất.

Giải thích cho câu hỏi tại sao khoai tây và cải rockcress được chọn trong thí nghiệm đặc biệt này, Phó hiệu trưởng Đại học Trùng Khánh, người chỉ đạo thí nghiệm này, ông Liu Hanglong cho hay, “vì cải rockcress có thời gian tăng trưởng ngắn và thuận tiện để quan sát. Còn khoai tây có thể là nguồn thực phẩm chính cho các du hành gia vũ trụ trong tương lai”.

Ông Liu Hanglong nói thêm “Thí nghiệm của chúng tôi có thể giúp tích lũy thêm kiến thức để xây dựng một căn cứ trên mặt trăng và cuộc sống lâu dài của con người trên hành tinh này”.

Trước đó, rau rockcress đã từng sinh trưởng trong vũ trụ, bao gồm cả trong một thí nghiệm trên Trạm Vũ trụ Quốc tế và kết quả cho thấy, lá cây này dường như phát triển và rụng đi khi chúng phát hiện thấy lực hấp dẫn của mặt trăng. Nhưng liệu loài cây này có thể phát triển trong môi trường ở phần khuất của mặt trăng hay không vẫn là một câu hỏi mở.

Mặc dù vậy, cho đến nay, điều này đồng nghĩa rằng ít nhất vẫn có sự sống ở một nơi khác trong hệ mặt trời (dù sự sống này do chúng ta đưa chúng vào đó).