Các Startup Nhật Bản cung cấp nước sạch trong thảm họa

NDO -

NDĐT - Các công ty khởi nghiệp trên khắp Nhật Bản đang phát triển các hệ thống sáng tạo để cung cấp nước sạch cho người dân trong các thảm họa thiên tai, trong bối cảnh “đất nước mặt trời mọc” đặc biệt bị tổn thương trước các trận bão và động đất.

Đường phố Sano, tỉnh Tochigi ngập trong nước sau bão Habigis. Nước ngập sau bão lũ khiến vấn đề nước sạch cho sinh hoạt người dân trở nên cấp thiết. (Ảnh: AP)
Đường phố Sano, tỉnh Tochigi ngập trong nước sau bão Habigis. Nước ngập sau bão lũ khiến vấn đề nước sạch cho sinh hoạt người dân trở nên cấp thiết. (Ảnh: AP)

Hiện, nước Nhật Bản đang phải đối mặt với hậu quả do siêu bão Hagibis gây ra. Theo hãng ty Kyodo, tính đến 14 giờ chiều nay (giờ địa phương), số người thiệt mạng do bão Hagibis đã lên tới 44 người, 14 người trong danh sách mất tích và ít nhất 100 người bị thương. Dự kiến số người thiệt mạng còn tăng cao khi công tác khắc phục hậu quả sau bão đang khẩn trương ở nhiều nơi. Khoảng 38 nghìn người ở 17 tỉnh đã phải sơ tán khỏi nơi ở đến các nơi tránh trú an toàn.

Các Startup Nhật Bản cung cấp nước sạch trong thảm họa ảnh 1

Một gia đình ở thị trấn Marumori, tỉnh Miyagi đang dọn dẹp bùn đất tràn vào nhà sau bão Hagibis sáng 14-10 (Ảnh: AP)

Trong khi đó, người dân ở tỉnh Chiba, gần thủ đô Tokyo vẫn gặp khó khăn sau khi cơn bão Faxai quét qua hồi tháng trước gây ra tình trạng mất điện và mất nước trên diện rộng. Hai cơn bão mạnh trong vòng hai tháng đổ bộ vào nước Nhật đã khiến vấn đề nước sạch trở thành vấn đề được quan tâm nhất hiện nay.

Giám đốc điều hành công ty Wota tại Tokyo, ông Yosuje Maeda nói: “Tôi hy vọng việc người dân vẫn được tiếp cận với nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt hàng ngày trong những thời điểm thảm họa sẽ trở nên phổ biến”.

Wota Box - Một công ty khởi nghiệp thuộc Đại học Tokyo đã phát triển một hệ thống tái chế nước thải dùng cho tắm rửa. Chương trình này đã chứng minh được tính hiệu quả trong nhiều thảm họa.

Trung tâm quản lý việc sơ tán người dân thuộc Văn phòng Chính phủ Nhật Bản đã chỉ ra rằng việc tắm rửa là đặc biệt quan trọng với sức khỏe và vệ sinh của cộng đồng trong các thảm họa.

Các Startup Nhật Bản cung cấp nước sạch trong thảm họa ảnh 2

Sản phẩm tái chế nước thải thành nước sạch để tắm rửa của Wota Box (Ảnh: Wildfocus)

Wota Box cho hay, công ty đã cung cấp dịch vụ tắm tại các khu tránh trú an toàn cho những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh ở tỉnh Kumamoto và vùng phụ cận vào năm 2016, trận lụt lớn ở miền tây Nhật Bản năm 2018 và trận động đất nghiêm trọng xảy ra ở Hokkaido năm 2018, với hơn 300 người sử dụng hệ thống này tại các trung tâm sơ tán.

Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và các bộ lọc nhiều lớp, bao gồm màng thẩm thấu ngược và bộ lọc than, hệ thống có thể tái chế tới 98% nước thải. Trong khi đó, trung bình mỗi người tắm rửa mất từ 40 đến 50 lít nước. Wota Box có thể cung cấp lượng nước tắm cho tối đa 100 người chỉ sử dụng 100l nước.

Ông Yosuje Maeda cho hay nếu phương pháp này được sử dụng rộng rãi thì sẽ giảm được chi phí. Hiện công ty cung cấp một gói tránh trú thảm họa có đầy đủ dịch vụ với giá khoảng 5 triệu Yên. Wota Box đã nhận được các yêu cầu từ một nhà phát triển chung cư cao tầng và một hiệp hội quản lý.

Các nhà quản lý khuyến khích người dân trữ nước tại gia đình dùng trong ba ngày với lượng nước cho mỗi người khoảng 3l/ngày. Tuy nhiên với các hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình đông người, rất khó để trữ đủ nước trong các thùng nhựa có thể tích hạn chế.

Công ty Aquatechnology-plus tại tỉnh Wakayama, phía tây Nhật Bản, đã phát triển một thiết bị lọc nước dùng trong bể chứa nước thương mại hóa. Công ty cho biết, bể chứa bằng thép không gỉ có dung tích 150l thường lưu trữ nước máy đã đi qua máy lọc nước để sử dụng hàng ngày, nhưng trong trường hợp xảy ra động đất, van sẽ tự động đóng lại, ngăn nước bẩn vào bể.

Chủ tịch công ty khởi nghiệp này, ông Shigeyuki Toguchi, là một chuyên gia ứng phó thảm họa, đã từng tham gia công việc khôi phục điện lưới sau trận động đất lớn Hanshin-Awaji tàn phá Kobe và các khu vực lân cận hồi năm 1995. Ông nói rằng muốn xây dựng một cộng đồng thích ứng với thảm họa. Ông Toguchi đang xem xét bán các bồn chứa nước thông minh nói trên với giá khoảng 600 nghìn Yên ở khu vực Kansai đầu tiên, và hy vọng sẽ mở rộng ra toàn đất nước.

Các Startup Nhật Bản cung cấp nước sạch trong thảm họa ảnh 3

Sản phẩm OralPeace được phát cho người dân bị ảnh hưởng bởi các trận động đất hồi năm 2016 ở Kumamoto (Ảnh: wildfocus)

Một công ty khởi nghiệp khác ở Yokohama đang bán một sản phẩm vệ sinh răng miệng không cần nước. Sản phẩm OralPeace này của Trife Inc không gây dị ứng và an toàn khi nuốt, được làm từ các thành phần có nguồn gốc từ thực vật, rất tiện lợi để vệ sinh răng miệng trong thảm họa. Chúng có dạng gel và dạng xịt, có giá lần lượt là 1.320 Yên và 1.100 Yên.

Ban đầu sản phẩm được phát triển cho những người gặp vấn đề trong việc súc miệng như người già và người tàn tật. Nhưng giờ đây sản phẩm này đã được sử dụng ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa.

Trife Inc đã phân phát miễn phí sản phẩm OralPeace tại các khu vực tránh trú an toàn cho những người bị ảnh hưởng bởi các trận động đất hồi năm 2016 ở Kumamoto và những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão Faxai hồi tháng trước. Giám đốc công ty, ông Daisuke Teshima hy vọng, trong tương lai sản phẩm của công ty sẽ đến được với các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên thế giới, cũng như các trại tị nạn và tới được tay những người cần sử dụng.