Tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN lần thứ 23

NDO -

NDĐT- Ngày 23-6, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN lần thứ 23 tổ chức theo hình thức trực tuyến đã thành công tốt đẹp. Các Bộ trưởng cũng thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng Hội nghị ASCC lần thứ 23.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN lần thứ 23 (Ảnh: Molisa).
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN lần thứ 23 (Ảnh: Molisa).

Đây là Hội nghị định kỳ lần thứ nhất trong năm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với vai trò Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) 2020, chủ trì tổ chức nhằm xem xét, thông qua các kết quả, văn kiện của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Chủ tịch ASCC 2020 Đào Ngọc Dung chủ trì và điều hành Hội nghị, với sự tham dự của 10 Bộ trưởng phụ trách ASCC, Tổng Thư ký ASEAN và đoàn đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN tại 11 điểm cầu.

Hội nghị ASCC là Hội nghị cấp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, được tổ chức hai lần/năm trước hoặc liền kề với Hội nghị Cấp cao ASEAN để rà soát việc thực hiện các hoạt động và chuẩn bị các văn kiện thuộc lĩnh vực phụ trách của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội trong các hoạt động hợp tác ASEAN để trình Cấp cao ASEAN thông qua.

Tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN lần thứ 23 ảnh 1

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân làm Trưởng đoàn, với đại diện lãnh đạo cấp bộ, cục, vụ của các bộ, ngành thuộc Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam như: Ngoại giao; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo; Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, Y tế, Nội vụ; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Đại học Quốc gia Hà Nội và đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Hội nghị ASCC lần thứ 23, nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong lịch sử của ASEAN, các Hội nghị Bộ trưởng và Cấp cao ASEAN được tổ chức trực tuyến do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đại dịch toàn cầu này chưa có tiền lệ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, hệ thống chăm sóc y tế và gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế và tác động tiêu cực nhiều mặt tới xã hội đối với tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung và ASEAN nói riêng. Điều này đòi hỏi tất cả Chính phủ các nước phải ứng phó với tình huống khẩn cấp nhằm bảo vệ tính mạng của người dân, ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu rõ, năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, hướng tới chủ đề “Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, trong các hoạt động của Cộng đồng, Việt Nam đã đề xuất những sáng kiến và ưu tiên trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, phúc lợi xã hội, thông tin truyền thông… để thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực của Cộng đồng hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025. Đây cũng là thời điểm vô cùng quan trọng đối với ASEAN khi cả ba Cộng đồng đang thực hiện đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch tổng thế hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025 và tất cả các cơ quan chuyên ngành của ASEAN cũng đang đánh giá việc thực hiện Kế hoạch Công tác 5 năm 2016-2020 và xây dựng Kế hoạch công tác trong giai đoạn 5 năm sắp tới 2021-2025.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, để chủ động ứng phó, các nhà lãnh đạo ASEAN và các cơ quan chuyên ngành các cấp bộ trưởng, quan chức của ASEAN như y tế, lao động, phúc lợi xã hội và phát triển và kênh giáo dục đã tổ chức một số các hội nghị đặc biệt để trao đổi kinh nghiệm và các sáng kiến phòng, chống dịch Covid-19, tăng cường hợp tác để giải quyết các tác động tiêu cực và hậu quả do dịch Covid-19 gây ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống.

Là một trụ cột với 15 cơ quan chuyên ngành liên quan, trải trên nhiều lĩnh vực, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN mang một ý nghĩa quan trọng khi kết nối trực tiếp với người dân và phục vụ cho người dân. Trong bối cảnh xã hội đang đổi thay với sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học - kỹ thuật và sự phát triển của công nghệ, các nền tảng xã hội phát triển, vấn đề già hóa dân số và gia tăng của thiên tai dịch bệnh, tại giai đoạn chuyển giao giữa hai thập kỷ này, nhiệm vụ của Hội đồng là phải điều phối hơn nữa những nỗ lực của Cộng đồng để bảo đảm cho người dân có được một cuộc sống hạnh phúc, bảo đảm được ổn định và phát triển kinh tế xã hội.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng cũng thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng Hội nghị ASCC lần thứ 23. Theo đó, các Bộ trưởng và Trưởng đoàn ASCC tuyệt đối ủng hộ các lĩnh vực trọng tâm của trụ cột Văn hóa - Xã hội ASEAN bao gồm lao động và phát triển nguồn nhân lực, phúc lợi xã hội và phát triển, thông tin và truyền thông, văn hóa ASEAN, nhận thức và bản sắc, môi trường và biến đổi khí hậu, và Đánh giá giữa kỳ phù hợp với chủ đề năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, và năm ưu tiên: kết nối khu vực, gắn kết, tận dụng cơ hội; thúc đẩy bản sắc ASEAN và nhận thức về Cộng đồng ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững; nâng cao năng lực và hiệu quả của bộ máy ASEAN.

Tuyên bố nêu rõ, các Bộ trưởng và Trưởng đoàn ASCC ghi nhận và khuyến khích những đóng góp tích cực của tất cả các cơ quan chuyên ngành ASCC trong nỗ lực ứng phó chung của khu vực với dịch Covid-19. Các sáng kiến liên ngành có sự phối hợp chung đã cho phép xây dựng được kế hoạch phục hồi sau đại dịch nhằm mang lại việc làm và sinh kế cho người lao động và thúc đẩy khả năng vực dậy về kinh tế - xã hội của các nhóm dễ bị tổn thương. Những nỗ lực chung đáng khen ngợi này bảo đảm rằng, ASEAN vẫn đang duy trì lý tưởng hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN bền vững, kiên cường và bao trùm.

Các Bộ trưởng và Trưởng đoàn ASCC thông qua “Tuyên bố về Phát triển nguồn nhân lực vì một thế giới công việc đang thay đổi” và đề nghị trình Tuyên bố này lên Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 36 để các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua. Tuyên bố này khẳng định lại cam kết của ASEAN về việc thúc đẩy hợp tác lao động, giáo dục và kinh doanh nhằm tăng cường các kỹ năng mới cho tương lai, cũng như đẩy mạnh giáo dục và việc làm hòa nhập. Tuyên bố cũng đánh giá cao và ghi nhận việc thành lập Hội đồng Phát triển giáo dục nghề nghiệp (TVET) ASEAN, và các sáng kiến khu vực nhằm nâng cao sức khỏe công cộng, công tác xã hội, hợp tác môi trường biển, và tăng quyền năng cho phụ nữ.

Các Bộ trưởng cũng thống nhất về nội dung của Báo cáo Hội nghị ASCC lần thứ 23 để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 sẽ diễn ra vào ngày 26-6 tới.