Hướng tới cộng đồng ASEAN không có ma túy

NDO -

NDĐT - Nằm trong chuỗi các hoạt động của Năm Chủ tịch AIPA 2020, ngày 29-6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3) với chủ đề "Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không có ma túy".

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc Hội nghị AIPACODD 3. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc Hội nghị AIPACODD 3. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị AIPACODD 3. Tham dự có 10 đoàn nghị viện thành viên AIPA, Tổng Thư ký AIPA, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan nước ta, đại diện các tổ chức quốc tế và đại sứ các nước ASEAN tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống không chỉ là vấn đề cấp bách, mà còn là vấn đề thường xuyên, lâu dài, mang tính chất toàn cầu và khu vực. Bên cạnh những vấn đề như môi trường, tội phạm công nghệ cao, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, dịch bệnh, thì một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống nổi cộm, đó là ma túy.

Theo đó, hiểm họa ma túy trên thế giới và trong khu vực Đông-Nam Á ngày càng trở nên phức tạp, gây những hệ lụy lâu dài về sức khỏe, đe dọa an ninh con người, an ninh kinh tế và nhiều hệ lụy xã hội đối với tất cả quốc gia.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm nay, có thể nói, cộng đồng thế giới nói chung và ASEAN nói riêng đang phải đương đầu với mối đe dọa an ninh phi truyền thống “kép”, đòi hỏi có sự đoàn kết, nỗ lực hợp tác ứng phó của tất cả các quốc gia.

Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tích cực, chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy toàn cầu và khu vực. Chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN: không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy; cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu và kiên định lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không ma túy.

Đồng chí Tòng Thị Phóng nêu rõ: Quốc hội Việt Nam trong những năm qua luôn nỗ lực hoàn thiện và hài hòa hóa luật pháp quốc gia, cũng như tăng cường giám sát trong lĩnh vực này. Năm nay, Việt Nam đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và một số luật liên quan để có những điều chỉnh phù hợp ứng phó với những thách thức mới trong công cuộc phòng, chống ma túy.

Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nêu rõ: Các nghị quyết của AIPACODD hiện nay và AIFOCOM trước đây đã có nội dung khá toàn diện, bao trùm với mục tiêu chung hướng tới một cộng đồng ASEAN không ma túy. Năm nay, Quốc hội Việt Nam đã chọn chủ đề của Hội nghị “Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không ma túy” nhằm lồng ghép nỗ lực chung của AIPA xây dựng một ASEAN gắn kết và thích ứng trong lĩnh vực phòng, chống ma túy.

Chiến lược phòng, chống ma túy cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, trong đó lấy con người làm trung tâm, mở rộng quy mô, diện bao phủ của các chương trình cai nghiện, bao gồm các chương trình phục hồi tại cộng đồng, giúp người sử dụng ma túy được hòa nhập hoàn toàn với xã hội và sống một cuộc sống không có ma túy.

Cập nhật tình hình ma túy và phòng, chống ma túy trên thế giới và khu vực, đại diện Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), Khu vực Đông - Nam Á – Thái Bình Dương cho biết: Vấn đề ma túy ở Đông - Nam Á hiện nay đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết và đã trở thành một cuộc khủng hoảng gây ra những hệ lụy về sức khỏe, quyền con người, an ninh và kinh tế đối với các quốc gia có liên quan.

Để vượt qua khủng hoảng này, đại diện UNODC cho rằng, cần cấp thiết xây dựng các chính sách về ma túy mang tính cân bằng hơn trong đó y tế công cộng và sức khỏe về mặt xã hội đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực cải cách chính sách.

Trao đổi, thảo luận tại hội nghị, các đại biểu Việt Nam và quốc tế tập trung nêu những vấn đề thực tiễn trong lĩnh vực phòng, chống ma túy và điều trị nghiện ma túy. Dịp này, các nghị viện thành viên AIPA đánh giá, rà soát việc thực hiện các cam kết thể hiện trong các nghị quyết các hội nghị AIFOCOM và AIPACODD.

Trên cơ sở đó, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy, tăng cường vai trò của các nghị viện, các nghị sĩ trong việc hiện thực hóa các cam kết, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh cho mọi người.

Đại diện lãnh đạo bộ, ngành Việt Nam dịp này chia sẻ kinh nghiệm đa dạng hóa các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp nhận người nghiện ma túy, người sau cai nghiện vào làm việc; đẩy mạnh và nhân rộng mô hình cai nghiện dựa vào cộng đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy. Ứng dụng các loại thuốc hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện, chữa trị cho người nghiện; kịp thời nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc hỗ trợ cai nghiện, chữa trị cho người nghiện các loại ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào việc cai nghiện, chữa trị ở Việt Nam…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thông qua Chương trình hoạt động và Chương trình nghị sự; thông qua Nghị quyết "Biến lời nói thành hành động hướng tới một cộng đồng ASEAN không ma túy"; thảo luận và thông qua Báo cáo Hội nghị AIPACODD 3.