ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy quan hệ đối tác

Ngày 19-5, tại Hàng Châu (Trung Quốc) đã diễn ra cuộc họp Tham vấn quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc nhằm kiểm điểm tiến trình hợp tác ASEAN và bàn các biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác, chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc vào tháng 8 tới. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự.

Các quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc tại cuộc họp Tham vấn ngày 19-5 tại Hàng Châu (Trung Quốc)
Các quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc tại cuộc họp Tham vấn ngày 19-5 tại Hàng Châu (Trung Quốc)

Tại cuộc họp, các nước đánh giá cao những tiến triển trong thực hiện chỉ đạo của Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21 (tại Singapore, tháng 11-2018) và nội dung "Tầm nhìn Quan hệ đối tác ASEAN - Trung Quốc năm 2030", theo đó quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc được triển khai mạnh mẽ. Hai bên nhất trí hoàn tất Kế hoạch hành động ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2016-2020, tập trung hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, thương mại điện tử, an ninh mạng, kết nối, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, phát triển tiểu vùng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp, đổi mới - sáng tạo; sớm kết thúc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP)... Trung Quốc đề xuất hợp tác với ASEAN về phát triển thành phố thông minh, giao lưu truyền thông...

Về tình hình khu vực và thế giới, các nước ASEAN và Trung Quốc khẳng định sự cần thiết xây dựng và củng cố cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ. Trung Quốc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN; mong muốn ASEAN đoàn kết, thống nhất, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh. ASEAN đánh giá cao sự tham gia của Trung Quốc trong các diễn đàn do ASEAN chủ trì và dẫn dắt; mong muốn Trung Quốc tiếp tục đóng góp tích cực, có trách nhiệm cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực.

Các nước nhất trí thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; kêu gọi kiềm chế, đi đôi với hợp tác xây dựng lòng tin, tránh làm tình hình phức tạp và căng thẳng, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.