Đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tính đến nay đã năm tháng kể từ khi công bố bảng giá các loại đất ở mức mới, UBND thành phố vẫn chưa chính thức ban hành hệ số K (Hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất được xác định bằng tỷ lệ giữa giá đất chuyển nhượng thực tế mang tính phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường tại thời điểm xác định với giá đất do UBND cấp tỉnh quy định và công bố hằng năm) của năm 2015. Dẫn đến tình trạng hàng nghìn hồ sơ nhà đất của người dân bị ách lại.

Sở dĩ có hiện tượng như vậy là vì bảng giá đất năm 2015 của thành phố nếu thực hiện theo quy định mới, ước tính sẽ tăng trung bình 1,6 lần so với năm 2014. Tiền sử dụng đất của người dân theo đó cũng tăng lên bấy nhiêu lần. Đơn cử như một hộ dân ở đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) đang làm thủ tục hợp thức hóa căn nhà với diện tích đất gần 300 m2. Theo quy định của thành phố, hạn mức đất ở cho hộ gia đình cá nhân ở quận này là 200 m2. Phần diện tích trong hạn mức gia đình sẽ nộp theo bảng giá đất thành phố ban hành. Còn lại gần 100 m2 đất dôi dư ngoài hạn mức sẽ phải nhân thêm hệ số K là 1,5 lần bảng giá đất. Theo bảng giá đất năm 2014, mặt tiền đường Hiệp Bình có giá 3,1 triệu đồng/m2. Vậy tổng cộng tiền sử dụng đất phải nộp cho 300 m2 là hơn 1 tỷ đồng. Nhưng đối chiếu theo dự thảo bảng giá đất giai đoạn năm 2015 của quận Thủ Đức thì đường Hiệp Bình được điều chỉnh gấp đôi, đồng nghĩa tiền sử dụng đất phải nộp cũng sẽ tăng gấp đôi, thành 2,170 tỷ đồng. Một số tiền quá lớn, không mấy gia đình kham nổi. Không chỉ các hộ dân lâm vào tình cảnh đó mà ngay cả doanh nghiệp cũng gặp khó với bảng giá đất mới. Vì như phân tích của một chủ doanh nghiệp bất động sản thì doanh nghiệp đã một lần mua theo giá thị trường của người dân và một lần nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường thì chẳng khác nào một mảnh đất doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất hai lần nên cũng khó mà kham nổi. Vì thế hệ số K áp dụng cho doanh nghiệp cần điều chỉnh theo hướng giảm xuống ngang bằng với hộ gia đình cá nhân.

Trước ý kiến của nhiều cá nhân và tổ chức cho rằng hệ số K nếu áp dụng như dự kiến là quá cao và không hợp lý, thành phố đã tạm dừng việc áp dụng hệ số K theo bảng giá đất năm 2015 để nghiên cứu, xem xét và trên cơ sở đó có những điều chỉnh hợp lý. Được biết, UBND thành phố vừa trình Thường trực HĐND thành phố dự thảo quyết định quy định về hệ số K trên địa bàn thành phố. Theo đó, hệ số K áp dụng cho phần diện tích đất ở vượt hạn mức của hộ gia đình, cá nhân được điều chỉnh giảm xuống còn 1, tức là tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức đất ở bằng một lần bảng giá đất do thành phố quy định. Trước đây, con số này dự tính là 1 đến 1,2 lần và chia thành bốn khu vực để áp dụng. Trong dự thảo, UBND thành phố kiến nghị HĐND chấp thuận phân chia thành ba nhóm đối tượng để quy định hệ số điều chỉnh giá đất cho phù hợp với mỗi loại đối tượng. Với cách làm mới này, hệ số điều chỉnh giá đất được xác định theo từng khu vực, tuyến đường, vị trí tương ứng với từng mục đích sử dụng đất phù hợp với thị trường và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cụ thể tại địa phương.

Đó là một phương án hợp lý vì rằng, với đặc thù ở ta và với số đông người dân thì đất đai là phần tài sản quan trọng, to lớn nhất của họ, có vai trò quyết định trong cuộc sống của mỗi gia đình. Như người ta vẫn thường nói “an cư, lạc nghiệp”, nếu hệ số K quá cao so với khả năng chi trả của người dân sẽ khiến họ không thể hoàn thành được các thủ tục để xác lập quyền sử dụng đất đai của mình và theo đó không thể an cư được. Không xác lập được thì không thể trao đổi, chuyển nhượng và cũng không thể thế chấp vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, nâng cao đời sống nên khó mà lạc nghiệp được. Có một điểm đáng chú ý là nếu theo cách tính hệ số K như ban đầu thì nhiều vị trí nhà trong hẻm, nhất là các hẻm sâu sẽ phải nộp tiền sử dụng đất cao hơn năm 2014. Mà nhà trong hẻm phần lớn là của người lao động nghèo. Thế nên giảm hệ số K còn có tác dụng giảm bớt gánh nặng tài chính cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Còn với các doanh nghiệp, giá đất cao sẽ làm đội lên chi phí đầu tư khiến giá thành sản phẩm cao lên, làm giảm tính cạnh tranh. Nhất là trong tình cảnh nhiều doanh nghiệp còn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn do suy thoái kinh tế vừa rồi, thì việc tăng chi phí đất đai cũng là một gánh nặng làm chậm sự hồi phục. Đặc biệt là với lĩnh vực bất động sản, nếu hệ số K cao càng khiến cho cơ hội có chỗ ở ổn định của những người thu nhập thấp trở nên xa vời.

Tóm lại, trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ đất đai phong phú hơn trước rất nhiều, quyền sử dụng đất được trao đổi, mua bán, chuyển nhượng và hình thành một thị trường đất đai. Lúc này, đất đai được coi như là một hàng hóa và là một hàng hóa đặc biệt. Thị trường đất đai có liên quan đến nhiều thị trường khác và những biến động của thị trường này có ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống của người dân. Vì thế, việc điều chỉnh hệ số K cần được thực hiện sao cho đất đai không bị biến thành yếu tố kìm hãm mà trở thành một đòn bẩy quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.