Trách nhiệm đóng góp

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Guterres vừa cảnh báo về “cơn khủng hoảng tài chính” khi tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này đứng trước nguy cơ “cạn túi” và sẽ chẳng thể trả lương cho nhân viên từ tháng 11 tới.

Ðây không phải lần đầu ông Guterres nhắc nhở về “sức khỏe tài chính” của LHQ. Song, thông điệp được đưa ra trong bối cảnh nghiêm trọng: Còn ba tháng nữa mới hết năm 2019, mà ngân sách LHQ đã thâm hụt 230 triệu USD. Khó khăn về tài chính, LHQ phải lên kế hoạch “thắt lưng, buộc bụng”, theo đó hoãn nhiều hội nghị, cắt giảm dịch vụ, hạn chế các chuyến công tác...

Nguyên do “hụt quỹ” vẫn xuất phát từ “thực tế muôn thuở”, đó là sự chậm trễ đóng góp của các nước thành viên. Ðơn cử, cam kết đóng góp nhiều nhất, bằng khoảng 22% ngân sách năm 2019 của LHQ, song Mỹ cũng “nợ” nhiều nhất. Các khoản đóng góp năm nay của các nước thành viên mới bằng 70% ngân sách mà LHQ dành chi cho các hoạt động thiết yếu, trong khi còn nhiều khoản tốn kém khác, chẳng hạn chi cho hoạt động gìn giữ hòa bình...

Không thể phủ nhận vai trò của LHQ trong nỗ lực giải quyết các thách thức chung đang gia tăng về số lượng và thay đổi về tính chất. Không đơn thuần là chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”, lời cảnh báo của Tổng Thư ký LHQ còn là thông điệp khẩn về trách nhiệm thực thi cam kết.