Tìm lối thoát khủng hoảng

Nguy cơ “thảm họa nhân đạo” tồi tệ đang hình thành ở Y-ê-men, khi quốc gia nghèo trên bán đảo A-rập bị cuốn vào cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn”. Hơn 20 triệu người bên bờ vực nạn đói, trong khi nguồn quỹ tài trợ cạn kiệt khiến Liên hợp quốc (LHQ) buộc phải cắt giảm một nửa khoản viện trợ cho Y-ê-men. Một giải pháp chính trị toàn diện khẩn cấp sẽ là lối thoát cho khủng hoảng ở Y-ê-men.

Y-Ê-Men sa lầy trong cuộc nội chiến kể từ cuối năm 2014, khi phiến quân Hu-thi giành quyền kiểm soát phần lớn miền bắc nước này và buộc chính phủ của Tổng thống M.Ha-đi phải rời bỏ thủ đô Xa-na. Tháng 3-2015, A-rập Xê-út dẫn đầu liên minh quân sự can thiệp vào cuộc xung đột tại Y-ê-men để giúp chính phủ Tổng thống Ha-đi chống Hu-thi. Ở khu vực phía nam, lực lượng chính phủ cũng để mất nhiều phần lãnh thổ vào tay lực lượng ly khai Hội đồng chuyển tiếp miền Nam (STC). STC mới đây đã ngừng tham gia các cuộc tham vấn về một thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở miền nam, được biết đến với tên gọi “Thỏa thuận Ri-i-át”. Thỏa thuận này do A-rập Xê-út làm trung gian nhằm chấm dứt xung đột giữa lực lượng ly khai miền nam và chính phủ Y-ê-men. A-rập Xê-út đã thuyết phục STC và chính phủ Y-ê-men đàm phán hòa giải, dẫn tới việc ký kết thỏa thuận thành lập một chính phủ kỹ trị. Thỏa thuận cũng bao gồm việc đưa chính phủ Y-ê-men lưu vong trở lại thành phố A-đen và thống nhất tất cả các đơn vị vũ trang dưới quyền của Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, một số yếu tố đã ngăn cản việc thực hiện thỏa thuận này. Trong khi đó, xung đột giữa lực lượng chính phủ Y-ê-men, được A-rập Xê-út hậu thuẫn, với phiến quân Hu-thi vẫn diễn biến phức tạp.
 
 Sự can thiệp của quân đội nước ngoài cùng sự tham chiến của các nhóm phiến quân đã cuốn Y-ê-men vào vòng xoáy xung đột, biến nước này trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các tổ chức cực đoan và khủng bố gia tăng hoạt động. Nhánh An Kê-đa trên bán đảo A-rập (AQAP) hoạt động mạnh tại Y-ê-men và trở thành nhánh nguy hiểm nhất của tổ chức khủng bố này. Xung đột và bạo lực khiến hàng chục nghìn người chết, chủ yếu là thường dân, hơn ba triệu người mất nhà ở, gây ra thảm hoạ nhân đạo tồi tệ nhất những năm gần đây. Giao tranh dữ dội còn đe dọa phá hủy các nỗ lực của LHQ trong vai trò trung gian cho các cuộc thương lượng hòa bình giữa các bên ở Y-ê-men, đồng thời cản trở các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Tình hình kinh tế hết sức khó khăn, giá nước sinh hoạt và các mặt hàng thiết yếu tăng cao, đồng nội tệ mất giá, ngân khố trống rỗng, đang đẩy Y-ê-men vào thảm cảnh tồi tệ.
 
 Ngoài ra, Y-ê-men đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong khi đóng góp của các nhà tài trợ giảm mạnh. LHQ cảnh báo, số người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực ở miền nam Y-ê-men có thể tăng lên 3,2 triệu người trong những tháng tới. Trong khi đó, các chương trình nhân đạo của LHQ dành cho Y-ê-men phải dừng lại do thiếu kinh phí hoạt động. Tại hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ cho Y-ê-men do A-rập Xê-út phối hợp LHQ tổ chức hồi tháng 6, các nhà tài trợ chỉ cam kết đóng góp 1,35 tỷ USD, trong khi các hoạt động nhân đạo cơ bản tại Y-ê-men này cần tới 2,41 tỷ USD. Thiếu kinh phí, LHQ buộc phải dừng hoặc giảm 50% số các chương trình giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới tại Y-ê-men. Điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Y-ê-men L.Gran-đơ cảnh báo, hàng triệu người dân Y-ê-men sẽ chịu cảnh cùng cực và có nguy cơ tử vong do LHQ không đủ nguồn quỹ cần thiết để duy trì các chương trình viện trợ. Nếu không được hỗ trợ khẩn cấp trong vài tuần tới, 189 bệnh viện và 2.500 phòng khám, tức một nửa số các cơ sở y tế tại Y-ê-men, sẽ không có các nguồn cung thiết yếu.
 
 Hội đồng Bảo an LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình tiếp tục xấu đi tại Y-ê-men, lên án tình trạng bạo lực nhằm vào thường dân và trẻ em, đồng thời khẳng định ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Y-ê-men. Cộng đồng quốc tế đang hối thúc các bên tiếp tục đối thoại, tiến tới giải pháp chính trị toàn diện, trong khi những đóng góp của các nhà tài trợ hết sức quan trọng vào lúc này, tránh để Y-ê-men bị nhấn chìm bởi một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử.