Thế giới nỗ lực dẹp nạn tin giả về nCoV

NDO -

NDĐT - Ngay từ khi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) bùng phát, chính phủ một loạt quốc gia trên thế giới đã phải cùng lúc đối phó trên hai "mặt trận": ngăn chặn-dập dịch nCoV và nạn tin giả lan truyền trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Thông tin sai lệch về virus corona "nở rộ" trên các mạng xã hội (Ảnh: NHK)
Thông tin sai lệch về virus corona "nở rộ" trên các mạng xã hội (Ảnh: NHK)

Thông tin sai lệnh chung quanh nCoV có mặt ở khắp nơi, từ châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, tới châu Á-tâm điểm nCoV bùng phát. Một mặt các chính phủ phải gồng mình ngăn chặn nCoV lây lan, mặt khác phải cải chính thông tin sai lệnh trên các nền tảng mạng xã hội.

Thí dụ tại Trung Quốc, trên mạng xã hội Weibo của nước này cũng như Facebook và Twitter trong tháng 1 đã lan truyền thông tin rằng chuyên gia về bệnh hô hấp hàng đầu Trung Quốc là ông Chung Nam Sơn đã khuyên mọi người dùng nước muối súc miệng để ngăn nhiễm nCoV. Tuy nhiên, đây là thông tin không chính xác. Đội nghiên cứu của chuyên gia này phải khẳng định nước muối không thể "diệt" nCoV, đồng thời kêu gọi người dân không tin vào những lời đồn đại sai lệch lan truyền trên mạng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xác nhận không có bằng chứng nào cho thấy sử dụng nước muối giúp ngăn lây nhiễm chủng virus corona mới. Còn tại Australia, trên Facebook lan truyền danh sách các loại thức ăn và những địa điểm ở thành phố Syney bị nhiễm chủng virus corona mới. Tình trạng tin giả tương tự cũng diễn ra tại Pháp, Mỹ, Malaysia, Singapore, Thái Lan,…

Trước tình hình tin giả về nCoV làm gia tăng hoang mang và cản trở công tác phòng chống dịch trên toàn thế giới, WHO ngày 3-2 đã lên tiếng cảnh báo sự nguy hiểm của "tình trạng lan truyền những lời đồn đại và thông tin giả".

Phát biểu tại cuộc họp của WHO tại Geneve, Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebteyesus thông báo đang nỗ lực hợp tác với các tập đoàn internet và truyền thông để chiến đấu với sự lây lan của nạn tin giả chung quanh sự bùng phát của virus corona mới.

"Chúng tôi đang phối hợp với Google để bảo đảm rằng mọi người sẽ thấy được thông tin của WHO về virus corona ở ngay các kết quả đầu tiên khi tìm kiếm", Tổng thư ký WHO Tedros nói.

Ông Tedros cho biết, các nền tảng truyền thông xã hội khác bao gồm Twitter, Facebook, Tencent và Tiktok cũng đang thực hiện các biện pháp hạn chế sự lây lan của thông tin giả về sự bùng phát của loại virus mới này.

Chính phủ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore... đã tuyên chiến với nạn tin giả chung quanh dịch 2019-nCoV, khẳng định sẽ xử lý mạnh tay với các đối tượng tung tin giả trên mạng xã hội khiến nhiễu loạn tin tức chính xác về nCoV trong cộng đồng và gây khó khăn cho cuộc chiến chống lại sự bùng phát của nCoV.

Thứ năm tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố bất cứ ai lan truyền thông tin giả về nCoV sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc. Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh, “các vũ khí để bảo vệ bản thân trước chủng mới của virus corona không phải là khủng bố và đe dọa mà là sự tin tưởng và hợp tác”.

Hôm 29-1, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cảnh báo, chính phủ sẽ trừng phạt tất cả những ai tung tin giả về nCoV và kích động phân biệt chủng tộc. Ngay sau đó, cảnh sát nước này đã bắt giữ bốn người vì tội lan truyền thông tin giả về nCoV trên ứng dụng WhatsApp.

Chính quyền Thái Lan hôm 30-1 đã bắt giữ hai người vì giả mạo là quan chức cấp cao để đăng "tin giả" về nCoV. Chính phủ Thái Lan cảnh báo người dùng Internet phải suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ thông tin không chính xác về dịch bệnh này.

Bên cạnh đó, các công ty công nghệ như Facebook, Google, Twitter, đã bắt đầu có những biện pháp ngăn chặn tình trạng lây lan tin giả về nCoV.

Hôm 31-1, Facebook công bố kế hoạch gắn cờ và xóa thông tin sai lệch về nCoV. Công cụ kiểm tra thực tế bên thứ ba của Facebook đang xem xét nội dung liên quan đến nCoV. Khi những người kiểm tra thực tế đánh giá thông tin trên Facebook là sai, Facebook sẽ hạn chế sự lây lan của thông tin này và gửi thông báo cho những người đã chia sẻ hoặc đang cố gắng chia sẻ nội dung đó. Facebook cũng đang xóa nội dung đã bị các tổ chức y tế toàn cầu gắn cờ vì chứa các thông tin sai lệch hoặc thuyết âm mưu, hoặc các phương pháp chữa bệnh giả. Công ty này cũng sẽ hạn chế hoặc chặn các hashtag được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch trên Instagram.

Còn Google đã phát hành Thông báo SOS để những thông tin về nCoV của các tổ chức đáng tin cậy và các mẹo an toàn đã được xác minh được hiển thị hàng đầu trong kết quả tìm kiếm. Thông báo SOS là một trong những sản phẩm cảnh báo khủng hoảng do Google tạo ra và giống như những nỗ lực của Facebook, những công cụ này giúp người dùng truy cập thông tin tin cậy một cách nhanh chóng và an toàn.

Tuần trước, Twitter thông báo bắt đầu khuyến khích người dùng tìm kiếm thông tin về nCoV tới các kênh thông tin chính thức đầu tiên. Tại Mỹ, Twitter hướng người dùng tới tài khoản Twitter của Trung tâm Ngăn chặn và Kiểm soát dịch bệnh (CDC). Chiến dịch này đang được tiến hành tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Anh, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Australia… Công ty này sẽ tiếp tục mở rộng khu vực hoạt động trong bối cảnh cấp bách chống lại nạn tin giả về nCoV.

Theo thông báo mới nhất của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 4-2, tính đến hết ngày 3-2, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 3.235 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số ca nhiễm nCoV ở nước này lên 20.438 ca. Trong đó có 425 ca tử vong và 632 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Ngoài Trung Quốc đại lục, có ít nhất 151 ca nhiễm nCoV ở 23 quốc gia và vùng lãnh thổ.

WHO đã đưa ra ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV và nhấn mạnh rằng “Việc công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu không có nghĩa là đã có những thay đổi đặc biệt về mặt nguy cơ hay mối đe dọa đã trở nên lớn hơn. Thay vào đó, tuyên bố này giúp tăng cường sự phối hợp, hợp tác và đoàn kết toàn cầu”.

Trong khi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực ngăn chặn và dập dịch nCoV, tin tức giả về dịch bệnh lại đang trở thành vấn nạn mới với các chính phủ và tổ chức y tế toàn cầu. Hơn bao giờ hết, những người sử dụng, các nền tảng truyền thông xã hội cần góp sức dẹp nạn tin giả về nCoV để dồn sức trên một mặt trận duy nhất nhằm chiến thắng loại virus gây chết người nCoV.