Qua bão vẫn còn sóng gió

Chính phủ của Thủ tướng Anh T.May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội hôm 16-1, qua đó, làm gia tăng hy vọng bà có thể kêu gọi các nghị sĩ thống nhất quan điểm về một thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sau khi vượt qua bão tố chính trị ở Quốc hội, Chính phủ Anh vẫn đối mặt sóng gió phía trước liên quan vấn đề Brexit.

Chỉ 24 giờ sau khi Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận Brexit (Anh rời Liên hiệp châu Âu - EU) do bà May đề xuất, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu tín nhiệm đối với nữ Thủ tướng. Tuy nhiên, với 325 phiếu thuận và 306 phiếu chống, các nghị sĩ Anh vẫn thể hiện sự tín nhiệm với chính phủ, đồng nghĩa với việc chiếc ghế Thủ tướng của bà tạm thời yên ổn.

Hôm 15-1, thỏa thuận mới về Brexit mà EU và Chính phủ Anh đạt được cuối năm 2018 đã bị bác bỏ khi đưa ra thông qua tại Hạ viện Anh, với tỷ lệ 202 phiếu thuận và 432 phiếu chống. Kết quả này khiến tiến trình đàm phán Brexit xem như thất bại và đặt chính phủ của Thủ tướng T.May trước thách thức vô cùng lớn. Ngay sau khi kết quả được công bố, Thủ tướng Anh đã thừa nhận thất bại của Chính phủ, cho rằng Hạ viện Anh đã lên tiếng và Chính phủ Anh sẽ lắng nghe.

Tuy nhiên, ngay cả khi bà May đã vượt qua những khó khăn ở Quốc hội, thách thức của Chính phủ Anh nói chung và tiến trình Brexit nói riêng vẫn rất lớn. Với việc thỏa thuận Brexit không thể “qua cửa” Hạ viện, nguy cơ Brexit "cứng" đang ngày càng rõ ràng hơn. Theo đó, Anh sẽ ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào, một kịch bản mà giới doanh nghiệp rất lo ngại, có thể khiến đồng bảng Anh sụt giá mạnh và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Trong trường hợp nước Anh không rời “mái nhà chung châu Âu” vào ngày 29-3 tới như kế hoạch, thì tiến trình Brexit rất khó đoán định. Trong đó, hai khả năng lớn xảy ra. Một là, nước Anh tổ chức lại trưng cầu ý dân lần hai về Brexit. Đây là yêu cầu của phe ủng hộ hợp nhất châu Âu, với hy vọng cuộc bỏ phiếu lại sẽ đảo ngược kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016. Những ngày qua, nhiều nghị sĩ và người dân Anh đã kêu gọi và ủng hộ phương án này. Khả năng thứ hai, Anh và EU sẽ tiếp tục trì hoãn Brexit để tạm tránh nhiều tổn hại cho cả hai phía. Truyền thông Anh cho biết, sau khi Đức và Pháp cho thấy đã sẵn sàng kéo dài đàm phán Brexit, trong bối cảnh chính trường Anh đang rối loạn, các quan chức EU đang tìm cách trì hoãn việc này đến năm 2020.

Tuy nhiên, bất luận khả năng nào xảy ra thì Brexit vẫn là bài toán vô cùng khó giải của bà May và Chính phủ Anh, trong bối cảnh nội bộ nước này chia rẽ sâu sắc về cách thức Anh rời EU, cũng như việc ra đi hay ở lại mái nhà chung châu Âu. Phát biểu sau khi Chính phủ Anh vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện, Thủ tướng May cho biết, đã gặp đại diện các đảng phái chính trị của Anh. Bà kêu gọi các nghị sĩ gạt bỏ lợi ích cá nhân sang một bên và hợp tác mang tính xây dựng để có được một quốc hội đồng thuận cùng phá vỡ thế bế tắc, đưa nước Anh rời EU êm thấm. Dù vậy, lời kêu gọi của bà May đã không được đáp lại, khi lãnh đạo Công đảng đối lập G.Cô-bin không tham gia đối thoại về cách tiếp cận mới đối với Brexit.

Các đảng lớn không thể thu hẹp bất đồng về Brexit đang khiến tiến trình này tiếp tục mắc kẹt. Hôm 16-1, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết, bà T.May chưa loại trừ “kịch bản Brexit không thỏa thuận”, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của chính phủ là ở ngoài liên minh hải quan EU. Một số nhà phân tích nhận định, thông điệp này đồng nghĩa bà May có thể sẽ không thay đổi thỏa thuận Brexit đã nhất trí với lãnh đạo EU hồi tháng 11-2018, song đã bị các đảng phái trong Quốc hội Anh “quay lưng”. Như vậy, tương lai của tiến trình Brexit vẫn vô định.

Tiến trình Anh rời EU không có triển vọng rõ ràng đang phủ bóng đen lên kinh tế Anh, EU và gây quan ngại cho toàn cầu. Giới doanh nghiệp và người dân Anh lo ngại việc lưu thông hàng hóa bị cản trở đột ngột bởi việc áp đặt lại các quy định khi Anh rời EU không có thỏa thuận. Liên đoàn Hiệp hội ngành dược phẩm châu Âu cảnh báo sự an toàn của người bệnh và sức khỏe người dân châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nếu kịch bản Brexit “cứng” xảy ra.

Theo đó, những tranh cãi về vấn đề biên giới có thể làm cản trở việc cung ứng dược phẩm. Hiệp hội Giao thông hàng không quốc tế cảnh báo nguy cơ hành khách phải chịu cảnh tăng giá vé cũng như hành khách từ Anh quá cảnh tại các sân bay EU sẽ bị kiểm tra an ninh lần nữa, dẫn tới chậm trễ chuyến bay. Trong khi đó, người đứng đầu tổ chức BusinessEurope khẳng định, Brexit không thỏa thuận rõ ràng là “điều không thể chấp nhận” đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và cần phải tránh kịch bản gây hỗn loạn, xáo trộn này.

Thực tế nêu trên cho thấy, dù Thủ tướng T.May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, song nhiều thách thức lớn liên quan vấn đề Brexit vẫn đang đợi Chính phủ Anh ở phía trước. Một khi bà May và các cộng sự chưa tìm được tiếng nói chung với phe đối lập thì sóng gió sẽ lại nổi lên trên chính trường Anh bất kể lúc nào.