Pháp bắt đầu cuộc chiến với Covid-19

NDO -

NDĐT - Từ 12 giờ ngày 17-3, Lệnh hạn chế đi lại trên toàn lãnh thổ Pháp trong vòng 15 ngày bắt đầu có hiệu lực với sự giám sát của hơn 100 nghìn cảnh sát và hiến binh. Đây là biện pháp cứng rắn nhất được Tổng thống Pháp công bố tối qua cho "cuộc chiến" chống dịch bệnh Covid-19.

Quảng trường Trocadéro đối diện tháp Effeil không bóng người vào trưa 17-3.
Quảng trường Trocadéro đối diện tháp Effeil không bóng người vào trưa 17-3.

Người phát ngôn Chính phủ Pháp Sibeth Ndiaye cho biết, đây không phải là giai đoạn giới nghiêm, phong tỏa mà là biện pháp hạn chế tối đa sự đi lại của người dân để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Chính phủ mong muốn rằng sự hiện diện của các lực lược cảnh sát và hiến binh ở khắp nơi là thông điệp để mọi người thấy rằng đã có sự thay đổi thực sự trong tình hình hiện nay và vì vậy phải thay đổi thói quen hằng ngày. Không có biện pháp cưỡng chế ngay lập tức nhưng mọi người phải thích ứng dần, tuân thủ lệnh hạn chế đi lại, nếu không sẽ bị xử lý.

Do mức độ lây nhiễm lan nhanh trong tuần qua tới mức báo động, Chính phủ Pháp đã ban hành hàng loạt biện pháp nhằm hạn chế đà lây lan từ việc cấm tụ tập đông người cho tới lệnh đóng cửa các nơi ăn uống, vui chơi, mua sắm nhưng rất nhiều người vẫn không tuân thủ. Vì vậy, Tổng thống Pháp đã phải tuyên bố rằng, nước Pháp đang trong một cuộc chiến tranh với dịch bệnh Covid-19, đồng thời ra lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước nhằm hạn chế tối đa sự di chuyển, tiếp xúc của người dân.

Pháp bắt đầu cuộc chiến với Covid-19 ảnh 1

Cảnh sát ở TP Bordeaux kiểm tra một người dân xem có đúng mục đích ra khỏi nhà theo quy định. Ảnh: Le Monde.

Từ ngày 17-3, người dân chỉ được đi làm trong trường hợp không thể làm việc ở xa hay ở nhà, không được tụ tập bạn bè, gia đình, đi dạo cùng người khác ngoài phố hay trong công viên. Để ra khỏi nhà, mọi người phải mang theo giấy cam kết do Chính phủ ban hành, xác nhận mục đích rõ để mua đồ thực phẩm, đến hiệu thuốc, đi khám bệnh hay đi giúp người có việc khẩn cấp. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt từ 38 đến 135 euro và có thể bị truy tố trong trường hợp nghiêm trọng.

Hơn 100 nghìn cảnh sát và hiến binh Pháp được triển khai trên toàn lãnh thổ để bảo đảm người dân tuân thủ lệnh hạn chế đi lại. Riêng ở Paris và ba tỉnh ngoại ô có 150 trạm kiểm soát với 3 nghìn cảnh sát để giám sát. Cũng từ trưa ngày 17-3 theo giờ Pháp, toàn bộ khu vực Liên hiệp châu Âu (EU) và các nước Schengen sẽ đóng cửa biên giới với bên ngoài, trừ hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Việc thực thi lệnh hạn chế đi lại ở quy mô lớn chưa từng có tại Pháp cũng như một số nước EU sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và các hoạt động kinh tế-xã hội. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố các giải pháp kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng trong đợt khủng hoảng bệnh dịch lên tới 300 tỷ euro, tương đương khoảng 13% GDP hằng năm của Pháp.

Pháp bắt đầu cuộc chiến với Covid-19 ảnh 2

Người dân xếp hàng mua đồ thiết yếu ở siêu thị E.Leclerc tại TP Toulouse ở miền nam nước Pháp. Ảnh: Le Monde.

Ngay trong sáng 17-3, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng khủng hoảng bệnh dịch có thể kéo dài và để lại hậu quả nghiêm trọng, đồng thời thông báo về gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp trị giá 45 tỷ euro cho các doanh nghiệp Pháp, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ và có thể thay đổi tùy theo thời gian và biện pháp chống dịch bệnh. Theo ông Bruno Le Maire, nợ công của Pháp sẽ vượt quá 100% GDP trong năm nay. Nền kinh tế Pháp cũng sẽ bước vào giai đoạn suy thoái với mức tăng trưởng ước tính là -1% so với dự kiến đầu năm là +1,3%. Tuy nhiên đây chỉ là mức dự báo tạm thời vì còn phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng cũng thời gian của bệnh dịch.

Ông Gérald Darmanin, Bộ trưởng Hành động và Ngân sách công cũng ước tính thâm hụt ngân sách của Pháp sẽ tăng mạnh trong năm nay, có thể lên tới 3,9% GDP, so với dự kiến trước khi xảy ra khủng hoảng dịch bệnh là 2,2%. Mức độ thâm hụt ngân sách như vậy là do có kế hoạch hỗ trợ kinh tế 45 tỷ euro để bù đắp cho những người phải nghỉ việc, hoãn trả tiền điện, nước... cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong thời gian có dịch bệnh.

Cùng với việc áp dụng các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn đà lây lan của bệnh dịch, công tác nghiên cứu điều trị cũng được thúc đẩy. Người phát ngôn của Chính phủ Pháp Sibeth Ndiaye cho biết các thử nghiệm lâm sàng với thuốc chloroquine, một loại thuốc sốt rét đang được thực hiện ở Marseille để điều trị 24 bệnh nhân nhiễm virus corona. Kết quả "rất khả quan" và sẽ được mở rộng vì hiện chưa có bằng chứng khoa học khẳng định là hiệu quả. Kênh truyền hình Pháp BFM trích lời Giáo sư Didier Raoult, phụ trách việc thử nghiệm này, cho biết rằng, tác dụng của chloroquine đối với virus corona rất tốt vì virus không còn ở ba người sau sáu ngày điều trị. Một số chuyên gia cho rằng cần có thêm nghiên cứu vì có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng, nhất là khi dùng quá liều.

Tính tới tối 16-3, tổng số người nhiễm virus corona ở Pháp đã lên tới 6.633 và 148 người tử vong. Các chuyên gia và nhà khoa học Pháp cho rằng số bị nhiễm thực tế có thể cao hơn rất nhiều vì còn rất nhiều người chưa được xét nghiệm. Thống kê hôm nay cho thấy, tình hình bệnh dịch ở Tây Ban Nha và Đức vẫn diễn biến phức tạp khi có mỗi nước có thêm hơn một nghìn người được xác nhận nhiễm bệnh.